Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt?

Trần Hậu Chủ nhật, ngày 12/12/2021 12:45 PM (GMT+7)
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014, Đảng bộ, chính quyền xã Đại Hiệp (Đại Lộc – Quảng Nam) đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo; tranh thủ thời cơ, thuận lợi; khắc phục mọi khó khăn thách thức; có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thành quả là xã đã cán đích xã NTM kiểu mẫu năm 2020.
Bình luận 0

"Bức tranh" Đại Hiệp ngày càng tươi mới

Ông Đỗ Thanh Cảng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã định hướng việc duy trì giữ vửng và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Nhờ đó, Đại Hiệp đã hái "quả ngọt", là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam cán đích xã NTM kiểu mẫu năm 2020.

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thanh Cảng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020. Ảnh: Trần Hậu.

Giai đoạn 2015-2020, kinh phí được phê duyệt tại Đề án nâng cao các tiêu chí và xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu là 17.903 triệu đồng. Tổng kinh phí đã huy động thực hiện đến cuối năm 2020 là 61.420 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh là 10.210 triệu đồng, ngân sách huyện là 18.800 triệu đồng, ngân sách xã là 16.350 triệu đồng, nhân dân đóng góp 9.827 triệu đồng, doanh nghiệp đóng góp 6.314 triệu đồng.

"Bước chuyển mình trong thời gian qua của xã Đại Hiệp là rất rõ rệt. Tuy nhiên, để đưa xã Đại Hiệp trở thành đô thị loại V vào năm 2030 đối với địa phương vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Vì thế, thời gian tới, xã tiếp tục kêu gọi đầu tư, vận động mọi nguồn lực để đầu tư cở sở hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch các khu dân cư. Bên cạnh đó, xã cũng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đến với Đại Hiệp để đầu tư kinh doanh, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho bà con nhân dân…", ông Đỗ Thanh Cảng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp nói.

Về xã Đại Hiệp hôm nay, dấu ấn đáng chú ý là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Đến nay, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đã bêtông hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ dùng điện an toàn đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Bên cạnh giao thông, các công trình phục vụ dân sinh khác như nhà văn hóa thôn, các khu thể thao, trạm y tế, trường học, chợ… đã được địa phương quan tâm đầu tư, tất cả tạo nên "bức tranh Đại Hiệp" nhiều màu sắc tươi mới.

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Hạ tầng hoàn thiện, xã Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam) hướng đến đô thị loại V vào năm 2030. Ảnh: Trần Hậu.

Toàn xã có 7/7 thôn đều có nhà văn hóa và được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang; 7/7 thôn có khu thể thao, các thôn đều có kế hoạch và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Đến nay, Đại Hiệp giữ vững danh hiệu xã văn hóa NTM, xã NTM, xã NTM nâng cao, và vừa được công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2020, có 4/7 khu dân cư đạt danh hiệu "Khu dân cư NTM kiểu mẫu", các trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt vững mạnh.

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Trường học ở Đại Hiệp được xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

"Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, bản thân tôi cũng như bà con rất đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất ở và dỡ bỏ tường rào cổng ngõ, cây cối, để cùng chính quyền địa phương xây dựng các công trình giao thông, giờ đây thì thấy xóm làng đổi mới ở nhiều lĩnh vực, đời sống người dân ngày càng sung túc, chúng tôi phấn khởi lắm…", ông Phạm Văn Lành – một người dân ở thôn Phú Hải vui mừng nói.

Đời sống người dân sung túc, Đại Hiệp hướng đến đô thị loại V

Xã Đại Hiệp có vị trí địa lý nằm về phía Đông Bắc của huyện Đại Lộc, phía Bắc giáp xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng; phía Nam và phía Tây giáp thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc; phía Đông giáp xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là cơ sở để Đại Hiệp phát triển kinh tế toàn diện, nhất là công nghiệp – thương mại dịch vụ.

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ là điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Trần Hậu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2015-2020 là 16,66%. Tổng giá trị sản xuất của xã năm 2020 ước đạt 1.450,7 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 1.079,4 tỷ đồng, chiếm 74,4%; thương mại – dịch vụ đạt 314,4 tỷ đồng, chiếm 21,6 %; nông nghiệp đạt 56,9 tỷ đồng, chiếm 4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 45,2 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.

Ông Cảng cho biết, Đại Hiệp xác định công nghiệp – thương mại dịch vụ là điểm mạnh trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Những năm qua, công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư được quan tâm, đã thu hút được 6 chủ dự án đến tìm hiểu, khảo sát để đầu tư. Đã có 2 dự án hoạt động ổn định với tổng vốn đăng ký trên 60 tỷ đồng. 

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Các Khu dân cư NTM kiểu mẫu, tuyến đường kiểu mẫu đã tô thêm vẻ đẹp cho Đại Hiệp hôm nay. Ảnh: Trần Hậu.

Hiện nay, Đại Hiệp có 42 công ty, 7 hợp tác xã dịch vụ và 32 tổ hợp tác, 350 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 100%.

Hoạt động thương mại dịch vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hiện có 120 cơ sở kinh doanh, tăng 50 cơ sở so với cuối năm 2015. Chợ Đại Hiệp và các điểm bán lẻ đa dạng, phong phú về hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các loại hình dịch vụ vận tải, xăng dầu, ăn uống,… được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng phục vụ.

Xã đầu tiên cán đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Sản phẩm nấm sò Đại Hiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú Quý đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: Trần Hậu.

Trên lĩnh vực nông nghiệp xã quy hoạch vùng chuyên canh 120ha lúa với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; quy hoạch hơn 100ha thu hút ngành nông nghiệp chất lượng cao. Xã cũng phát triển chăn nuôi tập trung vào loại hình gia trại. Toàn xã có 18 gia trại, trong đó có 13 trại gà công nghiệp quy mô 1.000 con trở lên, còn lại chủ yếu là chăn nuôi heo, bò, vịt, chim bồ câu Pháp, ba ba, dê, cá...

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), sản phẩm nấm sò Đại Hiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú Quý đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem