Xã hội hóa tạo sức bật phát triển cho thể thao TP.HCM
Xã hội hóa tạo sức bật phát triển cho thể thao TP.HCM
Lê Giang
Thứ sáu, ngày 15/12/2023 17:53 PM (GMT+7)
Thể thao TP.HCM đã chững lại trong thời gian dài vì sự đầu tư chưa tương xứng. Hiện nay, sự chung tay của các nhà tài trợ tạo động lực thúc đẩy thể thao TP.HCM vực dậy và phát triển mạnh mẽ hơn.
Được xem là thành phố năng động và đầu tàu kinh tế cả nước với dân số hơn 10 triệu người, tuy nhiên sự đầu tư cho thể thao của TP.HCM chưa tương xứng. Hệ thống cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM hiện nay đã lạc hậu và xuống cấp. Nhiều vận động viên các đội tuyển vẫn phải gửi đi các quận, huyện để có chỗ tập luyện và sinh hoạt.
Cụ thể, TP.HCM không có một sân vận động hiện đại với sức chứa lớn; không có một tổ hợp thi đấu các môn thể thao dưới nước; trường bắn điện tử hiện đại... đủ tiêu chuẩn đăng cai đại hội tầm cỡ như SEA Games.
Vì thiếu cơ sở vật chất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và nhiều liên đoàn quốc gia cũng không thể đưa những giải đấu lớn có đội tuyển Việt Nam tham dự về TP.HCM tổ chức. Ông Mai Bá Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM - rất trăn trở với những dự định chưa thể hoàn thành trước khi nghỉ hưu.
Ông cho biết: "Vào năm 2018, UBND TP.HCM trình Thủ tướng đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại TP.HCM. Thế nhưng vì rất nhiều lý do, đề án này sau đó đã không thể thực hiện, và Hà Nội đã lần thứ hai là chủ nhà của SEA Games.
Nguyên nhân quan trọng chính là cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Nếu SEA Games 31 được tổ chức tại TP.HCM, địa phương này có thể đã xây dựng nhiều công trình xứng tầm như: Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc trên diện tích 180ha với sân vận động trung tâm 50.000 chỗ ngồi; Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM...".
Đến nay, Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc vẫn là dự án trên giấy, khi chưa được phê duyệt kinh phí để đầu tư thi công. Cùng với đó, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM vẫn còn triển khai ì ạch từng hạng mục nhỏ lẻ, mà chủ yếu là sửa chữa và tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của Trường đua Phú Thọ đã xây dựng cách đây vài chục năm nên xuống cấp nghiêm trọng.
Để thể thao TP.HCM phát triển bứt phá và cũng là xung lực cho thể thao khu vực phía Nam, việc đầu tiên là phải đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho thể thao thành phố.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, sắp tới TP.HCM có 8 dự án cho ngành thể thao. Nhưng hầu hết cũng là cải tạo và sửa chữa từ những cơ sở hạ tầng cũ. Riêng một dự án khu nhà ở cho vận động viên với số tiền đầu tư 240 tỷ dự kiến được xây dựng mới gần Sân vận động Hoa Lư, quận 1, trên nền đất vừa thu hồi được mặt bằng. Đây cũng là một tín hiệu vui cho thể thao TP.HCM.
Xã hội hóa tiếp sức đẩy mạnh thể thao TP.HCM
Việc vướng quá nhiều cơ chế trong việc đầu tư cho thể thao khiến ngành này chững lại. Gần đây, sau rất nhiều nỗ lực, nhiều trở ngại đã được loại bỏ, mở đường cho thể thao TP.HCM phát triển. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng từng bước quan tâm hơn đến thể thao để có những chính sách đặc thù đẩy mạnh hơn nữa ngành này.
Cùng với đó, việc xã hội hóa thể thao đang ngày được quan tâm để nhiều nhà tài trợ chung tay phát triển thể thao TP.HCM. Hồi đầu tháng 12/2023, Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ với một doanh nghiệp với số tiền lên đến 1,8 tỉ đồng. Hợp đồng tài trợ sẽ có thời hạn từ năm 2023 đến 2026. Và toàn bộ số tiền tài trợ sẽ dùng vào hoạt động của đội tuyển bơi lặn TP.HCM.
Trong đó bao gồm việc hỗ trợ thường xuyên cho các VĐV xuất sắc, khen thưởng cho VĐV đạt thành tích ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tùy vào thực tế phát sinh, bộ môn bơi lặn sẽ đề xuất tài trợ cho các chương trình tập huấn, thi đấu quốc tế…
Chiều 15/12, bộ môn ba môn phối hợp đã ký hợp đồng với 5 nhà tài trợ với tổng kinh phí hiện vật và hiện kim hơn 2 tỷ đồng. Theo đó, các VĐV được hỗ trợ kinh phí tập luyện và tập huấn. Đồng thời các nhà tài trợ cung cấp trang thiết bị, dụng cụ, trang phục, tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ hồi phục sau vận động để các VĐV an tâm tập luyện thi đấu hướng tới mục tiêu cao nhất.
VĐV Lâm Quang Nhật, nhà vô địch ba môn phối hợp quốc gia 2023 chia sẻ: "Các VĐV ba môn phối hợp như chúng tôi trước đây phải tự đầu tư dụng cụ tập luyện và trang thiết bị. Bên cạnh đó, chúng tôi phải tự tìm các trung tâm để phục hồi thể lực sau vận động, sau chấn thương. Việc có các nhà tài trợ đồng hành giúp chúng tôi có thêm điều kiện ít nhiều tập trung hơn cho chuyên môn của mình".
Chia sẻ tại lễ ký kết tài trợ của bộ môn ba môn phối hợp, ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM cho biết: "Việc ký hợp đồng tài trợ lần này cũng là nỗ lực không chỉ của bộ môn mà còn là của ngành thể thao thành phố trong việc đẩy mạnh phong trào xã hội hóa thể thao, tận dụng các nguồn lực để phát triển thể thao trên toàn thành phố. TP.HCM với nhiều VĐV nổi trội, đạt thành tích cao ở đấu trường trong nước và quốc tế. Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn có những sức ì.
Dù rằng các VĐV thành phố có những đóng góp chung cho nền thể thao của cả nước, nhưng chúng ta vẫn thiếu đi một sức bật. Qua lễ ký kết hợp đồng tài trợ ngày hôm nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ tạo ra một sức bật mới, một năng lượng mới cho các VĐV".
Triathlon: Ba môn phối hợp
Ở nước ta, triathlon được gọi bằng cái tên dễ hiểu hơn là 3 môn phối hợp, đúng như cách thức thi đấu: Ban đầu các vận động viên bơi, tiếp đó chuyển sang đạp xe và cuối cùng là chạy. Cự ly 3 môn phối hợp khó nhất trên thế giới chính là giải Ironman, bao gồm bơi 4km, đạp xe 180km và chạy marathon 42km, được tiến hành từ sáng sớm cho tới nửa đêm. 3 môn phối hợp còn có nhiều lựa chọn khác, như cự ly 51km của Olympic, gồm 1,5km bơi, 40km đạp xe và 10km chạy, hay khó hơn nữa là half ironman 70.3, gồm bơi 2km, đạp xe 90km và chạy 21km.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.