Vui vì có nông thôn mới
Con đường bê tông sạch sẽ nối một mạch từ trung tâm thị trấn đến trung tâm xã Nậm Hàng, giờ hai bên là những ngôi nhà sàn kiên cố với mái tôn đỏ san sát. Ông Lò Văn Xiên– Trưởng bản Phiêng Liêng 1 cho hay: “Bản Phiêng Luông I, gồm 202 hộ thuộc diện di vén lòng hồ Thuỷ điện Sơn La. Do có cái nền của khu tái định cư rồi nên thực hiện NTM ở bản thuận lợi lắm. Triển khai việc gì cũng được dân ủng hộ”.
Đường vào trung tâm xã Nậm Hàng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Lê San
Mỗi hộ lên đây định cư đều được hỗ trợ 400m2 đất để làm nhà ở. Gia đình nào cũng đồng đều như nhau. Khi được vận động hiến đất để làm đường giao thông, nhiều hộ đã đồng ý ngay. “Vì hiến đất, đường được mở rộng ra 3m, nếu không thì chỉ có 2m thôi, không đẹp mà đi lại cũng không sướng bằng” – ông Xiên cười xoà.
Từ ngày có phong trào xây dựng NTM, hệ thống thuỷ lợi được mở mang, bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cũng tăng lên nhiều. Từ 1ha ngày xưa chỉ được 4 – 5 tấn lúa. Bây giờ đã lên được tới hơn 7 tấn. Bà con còn tranh thủ được hơn 7ha đất lòng hồ chưa bị ngập hàng năm để sản xuất. “Thế nên bảo làm NTM ai cũng hồ hởi lắm. Nhà nào cũng tham gia góp công, góp sức. Cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo, là những hộ neo đơn, khó có thể thoát nghèo được. Còn lại không có hộ nào vì lười biếng mà nghèo cả”- ông Xiên nói.
“Đánh” sâu vào cái nghèo
" Xã Nậm Hàng, đã đạt được 16/19 tiêu chí xây dựng NTM và dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí. Hiện nay cả xã chỉ còn 9,9% hộ nghèo”.
Ông Lò Văn Hẹp
|
Xã Nậm Hàng có 4 bản vùng thấp, 6 bản vùng cao. Hiện nay các bản vùng thấp đều đã đạt 19/19 tiêu chí, còn lại các bản vùng cao vẫn đang tiếp tục nỗ lực để đáp ứng yêu cầu. Theo ông Lò Văn Hẹp – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, hiện nay khó khăn lớn nhất của xã là đuổi cái đói, cái nghèo ở bản Huổi Van I, nơi có 100% số hộ là người dân tộc Mảng. Bản Huổi Van I có 54 hộ với 284 khẩu. So với các dân tộc khác trên địa bàn xã, người Mảng vẫn có trình độ phát triển thấp nhất. Số hộ nghèo đói cũng nhiều nhất, trung bình mỗi năm bản Huổi Van I phải thiếu đói ít nhất 3 tháng. Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền đã tập trung sát sao để giúp người dân ổn định sản xuất, thay đổi dần tập quán sinh hoạt.
“Mỗi tuần, cán bộ chúng tôi thay phiên nhau “cắm bản” để hướng dẫn bà con. Ở Huổi Van 1 có từ 15 – 20ha diện tích lúa nước nhưng bà con lười lao động, hay uống rượu nên cứ để không như vậy, trong khi hàng năm vẫn thiếu đói. Nhiều lúc vận động mãi, chả biết làm thế nào, chúng tôi cứ dọa là nếu dân bản không chịu làm thì sẽ để cho người bản khác đến làm. Lúc đó họ mới chịu bắt tay vào làm” – ông Hẹp cho hay.
Cùng với việc sát sao từ cầm tay chỉ việc, Huổi Van I cũng được đầu tư như kiên cố hoá nhà cửa, xây dựng điểm trường khang trang. Thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở, nhà vệ sinh và chuồng trại đến nay bản đã thực hiện được 23 hộ với kinh phí hỗ trợ là 15 triệu đồng/hộ.
Ông Lò Văn Chèo - Bí thư chi bộ bản Huổi Van I, xã Nậm Hàng cho biết: “Được nhà nước quan tâm nhiều như thế này, nhất là sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ xã, tôi cũng mong muốn các hộ dân trong bản mình thay đổi cách nghĩ, cách làm, bỏ rượu chè, chăm chỉ làm ăn để thoát đói, thoát nghèo, tiến kịp các dân tộc khác”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.