Xã nông thôn mới “nở rộ”... tỷ phú

Trần Đáng Thứ tư, ngày 07/09/2016 06:20 AM (GMT+7)
Là những nông dân thế hệ trẻ, với sở thích học hỏi, ham làm giàu, họ đã tận dụng từng tấc đất, vuông ao để làm kinh tế và có đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP.HCM.
Bình luận 0

Trên con đường trải đá dẫn thẳng ra cánh đồng, chúng tôi tới nhà anh Trần Tứ Vương (sinh năm 1978) ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Hai bên đường, từng thửa ruộng trồng mai lớn nhỏ tiếp nối nhau bạt ngàn.

Trồng mai, làm bánh thu tiền tỷ

Anh Vương cho biết, hiện anh có 5ha đất trồng mai ở xã Bình Lợi và 5ha ở xã Hựu Thành (huyện Đức Hòa, Long An). “Trước năm 2003, tôi chuyên trồng mía và thu mua mía cho bà con nông dân (ND), cũng kiếm ăn được nhưng thu nhập không ổn định. Một lần tình cờ đi qua làng mai Thủ Đức (TP.HCM) chơi, nghe mấy ND trồng mai bàn chuyện kinh doanh loại cây này, tôi nhận thấy cây mai có tiềm năng kinh tế lớn và nếu nắm chắc kỹ thuật, nắm được thị hiếu của người chơi sẽ thu được siêu lợi nhuận” – anh Vương kể.

img

Anh Trần Tứ Vương và vườn mai cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: T.Đ

Về nhà, Tứ Vương bắt đầu “tái cơ cấu” cây trồng. Anh dẹp dần diện tích trồng mía để dành đất cho cây mai và bắt đầu ồ ạt tăng diện tích từ năm 2010 đến nay. Hết đất ở khu vực Bình Lợi, anh lại chạy sang Hựu Thành thuê đất trồng tiếp. Với tổng diện tích mai vàng 10ha, anh Vương đang trở thành điền chủ có vườn mai thuộc tốp “khủng” nhất Sài thành.

“Mỗi ha trồng được 10.000 cây mai. Nếu để khoảng 3 năm tuổi, 1ha mai có thể thu được cả tỷ đồng. Trừ chi phí, lời khoảng 600 – 700 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng mía” – anh Vương thổ lộ.

"Chương trình xây dựng NTM của thành phố đang đi đúng hướng và đã hoàn thành giai đoạn 1, trong đó có công đóng góp không nhỏ của những nông dân trẻ giỏi làm ăn đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nông thôn. Họ không những biết làm giàu cho bản thân mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao chỉ tiêu thu nhập, việc làm... cho các huyện ngoại thành”.

Ông Trần Trường Sơn - 
Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM
 

Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Bình Lợi, ông Phan Tiến Đạt, khu A (xã Bình Lợi) có khoảng 800 hộ dân thì hơn 200 hộ đang trồng mai với diện tích khoảng 200ha. Chỉ tính riêng Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Bình Lợi, với hơn chục thành viên, mỗi năm đã xuất bán 200.000 cây mai nguyên liệu và hàng ngàn cây thành phẩm.

Khác với anh Vương, chị Phạm Thị Minh Linh (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) lại khẳng định được sức trẻ và tên tuổi của mình nhờ nghề làm bánh tráng. Thời kỳ cao điểm, chị xuất khẩu sang Pháp 30 tấn bánh tráng/tháng.

Xưởng bánh tráng ra hàng không kịp, chị phải thu mua thêm từ các cơ sở sản xuất “vệ tinh”. Có lúc, chị mở đến 3 xưởng làm bánh tráng mới có đủ hàng xuất khẩu sang Pháp và đã bắt đầu đưa bánh tráng đi Mỹ. Hiện, mỗi năm chị Linh xuất khẩu khoảng 140 tấn bánh, thu về lợi nhuận “khủng” và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tiến tới công nghiệp hóa

Mới đây, nhằm hỗ trợ nhu cầu cơ giới hóa của ND, Hội ND TP.HCM đã đưa một số doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ phục vụ nông nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM) trực tiếp gặp gỡ bà con để tìm hiểu nhu cầu. Tại đây, ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong đã “ao ước” được trang bị hệ thống quản lý, chăn nuôi tự động cho đàn heo gồm 5.000 nái, 40.000 heo thịt.

Về giải pháp cho vấn đề này, ông Trần Kim Vũ – Phó Giám đốc Công ty CP Global Cybersoft cho biết: “Chúng tôi đã có hệ thống quản lý tự động trong trồng trọt và đang nghiên cứu áp dụng cho bò. Tùy theo túi tiền của HTX mà chúng tôi sẽ thiết kế hệ thống quản lý tự động với mức chi phí hợp lý”.

Theo chị Minh Linh, hiện tại xưởng bánh tráng của chị Linh cũng đã trang bị một số máy móc hiện đại như máy tráng bánh, nồi hơi, máy đánh bột, máy dập… Xưởng chỉ cần đầu tư thêm máy sấy nữa là khép kín quy trình sản xuất. “Để ổn định tình hình sản xuất và đáp ứng nhu cầu số lượng sản phẩm của khách hàng, không còn cách nào khác là xưởng cần phải trang bị thêm máy móc hiện đại hơn nữa, trong đó có máy sấy” – chị Linh bày tỏ.

Được biết, trên thị trường hiện nay loại máy sấy này có giá hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề chị Linh lo ngại không phải là tài chính, mà là làm sao kiếm được đủ đơn đặt hàng để đáp ứng công suất máy sấy, nếu không sẽ lỗ vốn hoặc đội giá thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem