Xã triệu phú trên cao nguyên

Thứ bảy, ngày 24/08/2013 06:26 AM (GMT+7)
Trở lại thăm xã Cư Pơng (huyện Krông Buk, Đăk Lăk), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt nhanh chóng của vùng đất này. Có thể nói, diện mạo một xã triệu phú đã dần hiện rõ.
Bình luận 0
Thật khó tin vùng Cư Pơng trù phú hôm nay trước đây chỉ là một thung lũng hoang tàn, xơ xác. Già làng KLiêu, nay đã 81 tuổi, kể: Mới ngày nào, cái nghèo, cái đói cứ bám dân làng dai dẳng. Nhờ sự nỗ lực của người dân, sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nên cái khó nghèo đã dần bị đẩy lùi, thay vào đó là cuộc sống mới ấm no, gia đình nào cũng có phương tiện nghe nhìn, đi lại... Chỉ tính riêng tháng 5 vừa rồi, đã có hơn 10 căn nhà mới được xây dựng.

Văn hóa cồng chiêng luôn được trú trọng gìn giữ.
Văn hóa cồng chiêng luôn được trú trọng gìn giữ.

Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Cư Pơng từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng sau chiến tranh, Cư Pơng chìm trong nghèo đói bởi trình độ sản xuất của bà con lạc hậu, hệ quả chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề. Thế nhưng giờ đây, nhìn vào chỉ số phát triển kinh tế của xã, ai cũng cho rằng Cư Pơng đã có một cuộc “lột xác” thần kỳ. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất của xã đạt trên 350 tỷ đồng, thu ngân sách 15 tỷ đồng. Toàn xã có hơn 10.000 khẩu, chủ yếu là người Ê Đê, nhưng chỉ có dưới 6% hộ nghèo. Đặc biệt là số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm chiếm tới 90%.

Anh KThanh, dân tộc Ê Đê kể: Bố mẹ tôi mất sớm, để lại vỏn vẹn 1ha cà phê cùng căn nhà cũ kỹ nên ban đầu cuộc sống vô cùng vất vả. Lúc cà phê còn nhỏ, tôi trồng xen các loại cây ngắn ngày như đậu đũa, bí… nên mới có tiền tiêu hàng ngày. Bây giờ cà phê phát triển ổn định rồi, tôi bèn mua 100 cặp gà thả vườn, nuôi dưới tán cà phê, thu lời vài chục triệu đồng/năm.

Điều đặc biệt ở đây là, mỗi gia đình Cư Pơng đều có một chiếc điện thoại ghi đầy đủ số máy của lãnh đạo xã, huyện. Hễ làm ăn có gì khúc mắc, không hiểu, hoặc có kẻ xấu vào làng là bà con gọi ngay cho lãnh đạo. “Nhờ sự đóng góp của bà con mà chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Nhiều năm làm lãnh đạo xã, tôi nghiệm ra rằng, khi phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phải tích cực vận động, tuyên truyền để bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đời sống bà con ấm no, ổn định thì làm gì cũng dễ” - ông Bùi Xuân Giàu, Chủ tịch UBND xã khẳng định.
Hà Văn Đạo (Hà Văn Đạo)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem