Hệ thống thiết bị phản ứng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh: theo nangluong)
Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường kiểm soát tình hình hưởng ưu đãi theo C/O (quy tắc xuất xứ) theo các Hiệp định FTA, trong đó có Bổ sung mặt hàng xăng dầu form VK (VKFTA - VietNam - Korea Free Trade Area) vào đối tượng kiểm tra.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu xăng dầu theo C/O form D, E, AK, báo cáo số liệu về Tổng cục Hải quan muộn nhất là mùng 5 hàng tháng.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị bổ sung vào nội dung báo cáo số liệu hàng tháng các hoạt động nhập khẩu xăng dầu theo form VK được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Thông tư 201/2015/TT-BTC ngày 16.12.2015 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc giai đoạn 2015- 2018.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã lên tiếng cảnh báo Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ không bán được hàng do đang bị áp thuế (20%) cao hơn sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc (10%). Theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do hàng hóa AFTA (giữa Việt Nam và các nước ASEAN), AKFTA (giữa Việt Nam và Hàn Quốc), thuế nhập khẩu xăng, dầu từ năm 2016 lần lượt là 10% và 0%.
Ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị trực tiếp quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã liên tiếp phản ánh với báo chí rằng, nếu thuế suất sản phẩm của Dung Quất không được điều chỉnh ngang bằng với thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản thì chắc chắn sản phẩm của Dung Quất không thể cạnh tranh được.
Trong văn bản mới đây Bộ Công Thương cũng cho rằng theo cam kết tại một số FTA giữa Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc… mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu đang được điều chỉnh giảm theo lộ trình đã cam kết, dẫn đến có sự chênh lệch giữa mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (Form D) đối với các sản phẩm xăng dầu. Vì vậy, bộ này cho rằng đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng, dầu, đặc biệt là dầu diezel và nhiên liệu bay Jet A-1 của Dung Quất là có cơ sở và cần thiết phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho BSR.
Về vụ việc này, không ít các chuyên gia kinh tế đã phân tích và cho rằng, loại trừ yếu tố thuế nhập khẩu bằng 0% thì Dung Quất còn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác... Do đó, nếu năng lực quản trị tốt, Dung Quất sẽ tự cân đối và cạnh tranh được.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long còn kiến nghị: Đã đến lúc Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải có những giải pháp về con người, quản lý, khoa học công nghệ, nguồn nguyên liệu và sản phẩm bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc về thuế. Dung Quất cần đẩy mạnh tối ưu hóa, nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu để vận hành Nhà máy ổn định và hiệu quả, có tính cạnh tranh cao về giá cả vì có như vậy mới đảm bảo sản phẩm tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.