Cho biết tại buổi họp báo quý 1 Bộ Tài chính, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây đang diễn biến bất ổn với xu hướng đi lên.
Bởi vậy, các kịch bản điều hành giá năm nay đã xác định giá xăng, dầu là một yếu tố quan trọng.
Bộ Tài chính vừa công bố 3 kịch bản giá xăng dầu trong năm 2019 và tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Bộ Tài chính đã tính tới 3 kịch bản với giá xăng dầu. Phương án 1 là giả thiết giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%. Điều này sẽ khiến CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018.
Kịch bản 2 là giá xăng dầu thế giới tăng 10%. Với phương án này, CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%.
Kịch bản thứ 3 là giá xăng, dầu thế giới tăng 15% và khiến CPI bình quân cả năm nay tăng ở mức 3,8-3,9% so với năm 2018.
Ba kịch bản trên đã được Bộ Tài chính báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Gắn với từng kịch bản, ông khẳng định, cơ quan chức năng sẽ có kịch bản biện pháp chi tiết.
Trước đó, trong kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 2/4, xăng E5 RON92 tăng 1.370 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít. Cùng với đó, dầu diesel 0,05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít và dầu mazút 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.
Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để tăng 1.377 đồng với xăng E5 RON92 thì quỹ bình ổn đã phải chi ra 2.042 đồng, do vậy nếu không có quỹ bình ổn, mặt hàng này sẽ phải tăng 3.419 đồng, tương tự với xăng RON95 quỹ bình ổn cũng phải bỏ ra 1.304 đồng/lít.
Theo ông, đây là việc không ai mong muốn bởi giá thế giới tăng thì trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Nếu không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5RON92 đã có thể phải tăng tới hơn 3.400 đồng thay vì hơn 1.300 đồng/lít...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.