Xăng tăng và xe buýt

Thứ ba, ngày 15/03/2011 20:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xăng dầu tăng giá, có thể sắp tới sẽ tăng cao hơn. Bởi vì hiện nay, giá xăng dầu trong nước thấp hơn so với mặt bằng giá của thế giới, nhà nước vẫn còn bao cấp về giá. Chính vì vậy nên tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn tiếp diễn.
Bình luận 0

Không nên có thái độ tiêu cực trước những biến động về giá. Thông thường, người dân kêu ca vì giá cả, tạo tâm lý bất an, ảnh hưởng đến tinh thần chung. Nhưng có một thái độ khác, tích cực hơn, đó là chấp nhận và tìm cách đối phó. Nếu như chỉ ngồi than thở thì cũng không thay đổi được thực tế. Trong tình hình giá tăng không thể đảo ngược được, mỗi người phải tìm cách “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Một biện pháp hữu hiệu đó là hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân mà thay bằng xe buýt. Những người làm việc ở văn phòng, công sở, trường học, có thời gian đi và về cố định nên chọn phương tiện xe buýt. Đi xe buýt an toàn, tiết kiệm, không bị nắng mưa. Ban đầu khi chưa quen, có thể thấy khó khăn, bất tiện. Nhưng đi nhiều lần sẽ thành thói quen, thấy thuận lợi.

Nhiều người có ý định đi xe buýt, nhưng lo ngại bị kẹt xe, đi làm không đúng giờ. Nhưng thử hình dung, nếu như một bộ phận lớn người dân bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang xe buýt thì mặt đường sẽ được giải phóng, giảm bớt ùn tắc, xe cộ lưu thông dễ dàng hơn.

Nhiều người đi lại bằng phương tiện công cộng, sẽ giảm một lượng lớn nhiên liệu tiêu thụ từ xe cá nhân, quốc gia tiết kiệm một khoản ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu.

Ngoài ra còn có nhiều lợi ích khác không thể tính hết, đó là giảm ô nhiễm không khí, giảm áp lực kẹt xe, giảm tai nạn giao thông. Hóa ra, chỉ cần người dân chuyển từ phương tiện đi lại cá nhân sang phương tiện công cộng thì đã giải tỏa cho chính quyền rất nhiều áp lực.

Nếu suy nghĩ theo hướng tích cực thì sẽ thấy việc tăng giá xăng dầu cũng là cơ hội để thay đổi nhận thức về sử dụng phương tiện đi lại trong dân chúng. Cho nên lúc này, cần phải tập trung tuyên truyền, vận động để cán bộ công chức, người dân thay phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng.

Về phía các doanh nghiệp vận tải, phải nâng cao chất lượng phương tiện cũng như chất lượng phục vụ, tổ chức bến trạm, các tuyến phù hợp và thuận lợi để thu hút khách hàng. Người dân chưa mặn mà đi xe buýt một phần là do nhận thức, một phần là do hệ thống phương tiện công cộng chưa tốt, chất lượng thấp.

Đi lại bằng phương tiện công cộng là một yếu tố thể hiện trình độ văn minh của một xã hội, một quốc gia. Ở các nước tiên tiến, người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng. Công chức, lãnh đạo và người dân cùng ngồi trên một chuyến xe, xem đó là chuyện thông thường. Còn VN thì ngược lại, đi xe buýt là dân nghèo, dân lao động, sinh viên học sinh. Còn người có tiền ai lại đi xe buýt! Chúng ta lạc hậu ngay từ trong nhận thức thì làm sao văn minh trong thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem