Xanh lại Huổi Khon

Thứ tư, ngày 13/07/2011 16:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai tháng sau những ngày có sự kiện tụ tập của hàng ngàn người do tin lời kẻ xấu lừa đảo, Huổi Khon (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên) hôm nay đã thật sự bình yên trở lại, cuộc sống đang ngày một thêm vui...
Bình luận 0

Đã rõ lời lừa - việc xấu

Trong gian nhà ngói 3 gian vững chãi nằm giữa bản Huổi Khon mới được Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 167 cuối năm 2010, ông Vàng A Giống kể lại cho tôi nghe về những ngày tháng 5 “sai lệch của mình".

Gãi gãi mái đầu lưa thưa tóc, ông bảo: “Mình đã nhiều tuổi rồi mà vẫn còn dại, đi nghe lời người lạ bảo lên bãi tụ tập sẽ được gặp Chúa trời, được ban vàng bạc, đất tốt… Người khắp nơi tìm về tụ tập cũng đông, mình cũng nghe theo nhưng đợi mãi mà vàng bạc chẳng thấy đâu, chỉ thấy nắng, gió ngột ngạt đến khó thở; nhiều lúc đói ăn, khát nước. May mà cán bộ Nhà nước đến tuyên truyền, khuyên nhủ, mình nhận ra và tự giác trở về. Bây giờ thì biết rõ bị lừa rồi. Cứ ở nhà với con cháu, chịu khó làm ăn rồi sẽ giàu có thôi”.

img
Tất cả các hộ đồng bào Mông ở Huổi Khon đã được làm nhà vững chãi từ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình 167/CP.

Cũng như ông Giống, Thào A Trang vốn là người chịu thương chịu khó làm ăn, không theo đạo, theo Chúa gì, nhưng khi thấy nhiều người tụ tập bên sườn đồi Huổi Khon để "chuẩn bị nhận phúc, lộc lớn do một lực lượng siêu nhiên ban tặng", ông Trang đã đi thử xem sao. Thế là ông lén vợ con, trốn vào khu lán trại tập trung của người lạ mấy ngày liền. "Đã chẳng được phúc, lộc gì, lại bị nắng gió làm cho suýt ốm. May mà cán bộ đến kịp…"- ông Trang thở dài.

Theo trung tá Vừ A Sình - Công an tỉnh Điện Biên - Tổ trưởng Tổ công tác Huổi Khon, cho biết: Trong tháng 5 có một nhóm người Mông từ nhiều nơi, nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu tụ tập về Huổi Khon để đón nhận những phúc, lộc của một lực lượng siêu nhiên ban tặng. Nhưng chính người dân Huổi Khon cũng ít người mắc bẫy nên trong số gần 100 hộ của bản chỉ có 7 hộ có đại diện gia đình tham gia theo kiểu nghi hoặc, ăn may. Khi được tuyên truyền, giải thích và thực tế thấy rằng chẳng có phúc, lộc nào từ trên trời rơi xuống, bà con đã trở về bản, chí thú làm ăn.

Trưởng bản Huổi Khon-Sùng A Kỷ, tâm sự: Mình cũng là người Mông, đã đi nhiều nơi, nghe nhiều chuyện nhưng chưa bao giờ thấy có lực lượng siêu nhiên nào ban tặng cho ai cái gì ngoài nắng, gió, mưa, sấm sét. Những thứ đó sẽ giúp ngưòi nông dân làm ra lúa, ngô, đậu, đỗ… tức là Trời cũng bảo phải làm mới có ăn. Nay tự nhiên một số người lại về bản đây để đón chờ sự cho không của ai đó thì có khác gì đợi cây rừng nở ra hạt thóc; đợi khe suối chảy ra cơm ngon. Chuyện ấy làm sao mà có được.

Mình bảo với dân bản phải nghe lời dạy của Bác Hồ, đoàn kết để chống đói nghèo, lạc hậu. Chỉ có Nhà nước của Bác Hồ mới cho chúng ta cái nhà tốt để ở, con đường lớn để đi, cái nước sạch để uống, cái chữ để phát triển… Thế là mọi người trong bản hiểu ra, người đã đi tụ tập thì tìm cách trở về, người ở nhà thì tham gia nói tiếng Mông vận động bà con các nơi giải tán khỏi chỗ tụ tập… Bản làng nhờ vậy mà yên ổn.

Huổi Khon bình yên

Nắng chiều nhạt dần trên bản Huổi Khon, từng cơn gió mát lạnh lùa qua dãy núi Nậm Mỳ, Pá Mỳ tràn về xua tan đi cái nóng bức của ngày hè oi ả. Trên các ngả đường mòn dẫn về bản, người dân lục tục đi làm đồng về, chuyện trò rôm rả. Nhà Sồng A Của hôm nay rất đông người, hỏi ra được biết hôm nay nhà Của cấy đám ruộng nước to nên phải nhờ nhiều người trong bản cấy giúp.

Của bảo: Trước đây mình có biết làm lúa nước đâu, nhưng nhờ cán bộ nhà nước chỉ bảo, lại cấp vốn khai hoang ruộng nước nên bây giờ nhà mình có nhiều ruộng lắm. Dân bản cũng vậy, không ai bị đói nữa đâu. Nhà ông Giàng A Dềnh, Thào A Sang do biết cách làm ăn nên mỗi hộ còn có tới hơn chục con trâu, bò, 70% số hộ trong bản có xe máy, tivi rồi đấy.

Năm 2009, Nhà nước đầu tư cho bản 4 cái bể nước này, phân đều theo cụm, lại hướng dẫn dân ngủ màn, phun thuốc diệt khuẩn… Từ đấy dân bản đỡ hẳn ốm đau; sốt rét, giun sán không còn hành hạ mọi người nữa.

Bên bể nước sạch công cộng được Nhà nước đầu tư từ 3 năm trước, những đứa trẻ vừa tắm gội vừa nghịch nước la hét, ầm ĩ, Trưởng bản Kỷ bảo: “Trước đây dân bản chỉ biết ăn nước suối thôi. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì đục ngầu, đầy rác rưởi nhưng cũng phải chịu. Năm 2009, Nhà nước đầu tư cho bản 4 cái bể nước này, phân đều theo cụm, lại hướng dẫn dân ngủ màn, phun thuốc diệt khuẩn… Từ đấy dân bản đỡ hẳn ốm đau; sốt rét, giun sán không còn hành hạ mọi người nữa”.

Không thể ở lại với Huổi Khon thêm một đêm nữa để "nghe già bản Giàng A Trỏ kể về những ngày tháng du cư nghèo khó của người Mông, nghe tiếng khèn bè do đội văn nghệ bản biểu diễn hoặc nghe thiếu nhi bản kể chuyện Bác Hồ…"-như lời mời của Trưởng bản Sùng A Kỷ. Tôi vội chia tay dân bản vì hành trình phía trước còn dài và thời hạn chuyến công tác vùng cao đã hết.

Trên bãi đất trống đầu bản Huổi Khon-nơi từng xảy ra sự kiện tụ tập đông người với hơn trăm lán trại tạm bợ 2 tháng trước, thượng uý Chu Xuân Thu - Đồn phó trinh sát Đồn Biên phòng Nậm Kè, bảo: Nhà báo thấy chưa, sau khi dân tự nguyện ai về nhà nấy, lán trại được tháo dỡ; bộ đội, công an và dân bản lại cùng nhau phát dọn, gieo giống. Nay thì lúa đã xanh, ngô đã tốt, lại thêm một mùa vàng trên mảnh đất này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem