Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc

Nguyên An Thứ ba, ngày 28/12/2021 05:46 AM (GMT+7)
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang là điểm nhấn về việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa.
Bình luận 0

Nông thôn chuyển mình

Sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều xã tại các huyện ngoại thành tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Để nâng cao đời sống người dân, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) đang dồn sức xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, hiện nay, cùng với nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... được cấp ủy, chính quyền quan tâm, xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, duy trì các nghề phụ như: Mộc, làm bún, miến, bánh đa, may mặc... góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2021, Thanh Mai phấn đấu thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tiếp tục giảm hộ cận nghèo và không có hộ tái nghèo.

Theo ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, huyện phấn đấu năm 2021 có thêm xã Hương Ngải đạt chuẩn xã NTM nâng cao và lộ trình từ nay đến năm 2025 thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ưu tiên đưa vào hoạt động các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm… thu hút nhiều lao động và ít gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa. Ảnh: N.A

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, Hà Nội dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là 89.000 tỷ đồng.

Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn NTM (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 70 triệu đồng/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2010. Huyện tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Viết Đạt - Trưởng phòng Kinh tế huyện, thường trực Văn phòng xây dựng NTM huyện Đan Phượng cho biết: Huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020. Năm nay, huyện triển khai xây dựng 4 xã NTM kiểu mẫu hướng tới nâng cao đời sống của người dân.

Ông Trần Đức Hải - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng thông tin: Hiện nay, huyện phát động chương trình thi đua xây dựng NTM sáng - xanh - sạch - đẹp ở từng thôn, với phần thưởng cho mỗi địa phương là 10 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều tuyến đường trục chính các thôn được trồng hoa, vẽ tranh bích họa, quét sơn trên các tuyến đường ngõ xóm...

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc - Ảnh 3.

Nhờ xây dựng NTM nâng cao, huyện Đan Phượng đang đô thị hóa mạnh, môi trường, cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: N.A

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc - Ảnh 4.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 90,1%. Có 100% số xã đã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Ứng Hòa 0,08%; Quốc Oai 0,08%...

Xây dựng NTM văn minh

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.

Hà Nội còn 6 huyện chưa đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021; Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.

Đối với 14 xã chưa về đích (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì), thành phố và các huyện đang tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí trong năm nay.

Theo ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức làm việc với các xã chưa đạt chuẩn để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy các giải pháp thực hiện.

Trong khi đó, đến đầu tháng 10/2021, huyện Mỹ Đức có 2 xã (Bột Xuyên, Lê Thanh) cũng đã có tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) chưa đạt chuẩn cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí thời gian tới.

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, chương trình xây dựng NTM văn minh, hiện đại của Hà Nội gắn với đô thị hóa. Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hà Nội đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Đồng thời, tại nhiều địa phương, người dân tham gia tích cực Chương trình NTM như chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại dịch vụ, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Cùng với đó, các huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ... chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem