Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021
Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021
Mai Ngọc
Thứ hai, ngày 27/12/2021 13:21 PM (GMT+7)
Năm 2021, TP.Hà Nội đặt mục tiêu 14 xã còn lại của 2 huyện Ba Vì và Mỹ Đức - là những xã có hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn - hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực rất cao của thành phố và các địa phương, đến nay 14 xã này đã về đích, giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã.
Xã cuối, huyện cuối "về đích"
An Phú là xã miền núi nằm cuối huyện Mỹ Đức, giáp với tỉnh Hòa Bình. Địa bàn xã An Phú rộng với địa hình phức tạp, có đồng chiêm trũng, nhiều đồi núi, dân cư sinh sống không tập trung, chia cắt thành 13 thôn với hơn 2.100 hộ dân, trong đó chiếm 63,5% là người dân tộc Mường. Năm 2012, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, An Phú đối mặt với vô vàn khó khăn bởi cơ sở hạ tầng thiếu đủ thứ, từ giao thông, trường học đến nhà văn hóa... Thu nhập bình quân trên địa bàn chỉ đạt 6,62 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,27%.
Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã được đầu tư hơn 513 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn ngân sách hỗ trợ của thành phố) để thực hiện hàng chục dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, hệ thống đường giao thông đã được bê tông hoặc trải nhựa sạch, đẹp; 13/13 thôn có nhà văn hóa, diện tích trên 1.000m2 với đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của người dân; các thiết chế văn hóa phục vụ hiệu quả việc tổ chức hội nghị, hoạt động văn nghệ, thể thao... Hạ tầng đồng bộ, làng xóm khang trang, người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Cả xã có 144 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn; 82 hộ nuôi trồng thủy sản tập trung..., thu nhập bình quân năm 2021 ước đạt 55,1 triệu đồng/người. Các thôn Nam Hưng, Ái Nàng, Đồi Dùng, Đồng Văn... thực sự có bước chuyển rất đáng ghi nhận.
Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc. Mỗi mục tiêu hoàn thành là một dấu ấn, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, tính đến thời điểm hiện tại, 382/382 xã trên địa bàn TP.Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới đều đã về đích, giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021.
Cùng với huyện Mỹ Đức, 9 xã còn lại của huyện Ba Vì cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến các xã Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Vân Hòa..., có thể nhận thấy, không chỉ cơ sở vật chất, đời sống người dân khu vực miền núi đã đổi thay rõ nét. Bí thư Chi bộ thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) Nguyễn Mạnh Khẩm cho biết, hiện nay, toàn thôn có 180/252 hộ dân trồng mai trắng, với tổng diện tích khoảng 45ha. Các hộ đang tận dụng tối đa diện tích đất vườn nhà, nhiều hộ còn thuê thêm đất nông nghiệp để trồng loại cây này. Bình quân doanh thu của các hộ trồng mai trắng vào khoảng 300-400 triệu đồng/năm, nhiều hộ ở thôn An Hòa có doanh thu lên đến 1-2 tỷ đồng/năm...
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội -Nguyễn Văn Chí, tính đến thời điểm hiện tại, 382/383 xã của Hà Nội đã về đích xây dựng nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất không thực hiện xây dựng nông thôn mới do nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc), hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra trong năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thành phố cũng như các địa phương trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19...
Tiếp tục nâng cao tiêu chí nông thôn mới
Công cuộc xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm cuối. Hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới là tiền đề để tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Đỗ Quang Trung thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ba Vì phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023 và đến năm 2025, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Cổ Đô, Sơn Đà, Phú Phương, Tản Hồng, Thuần Mỹ, Ba Trại; phấn đấu có 4 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn La Thiện thuộc xã Tản Hồng, thôn Tân Phong thuộc xã Phong Vân, thôn 4 thuộc xã Ba Trại và thôn Cổ Đô thuộc xã Cổ Đô.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức - Đỗ Trung Hai, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2022. Cùng với xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, để nâng cao đời sống người dân, huyện sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vừa tạo việc làm, vừa giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, qua đó tăng thu nhập cho nhân dân...
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội- Nguyễn Văn Chí cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài kinh phí trên, thành phố tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương. Mặt khác, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.