Tươi mới Hải Lăng

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 29/11/2024 09:40 AM (GMT+7)
Nhìn lại chặng đường gần 50 năm thành lập và phát triển, trong đó có 12 năm xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đều vui sướng, tự hào về sự đổi thay, tươi mới.
Bình luận 0

Quan tâm đến người nghèo

Gần 3 năm nay, gia đình bà Trần Thị Trâm, trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được ở trong căn nhà mới khang trang, vững chãi. Căn nhà do Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 60 triệu đồng, khởi công tháng 4/2022. Đây là số tiền huy động được trong chương trình "Nối vòng tay nhân ái" nhân dịp Tết Nguyên đán.

Tươi mới Hải Lăng - Ảnh 1.

Huyện Hải Lăng luôn quan tâm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, sinh kế... Ảnh: N.V

Tâm sự với chúng tôi, bà Trâm cho biết, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều năm phải sống trong ngôi nhà cấp bốn tạm bợ. Mỗi mùa mưa, bà Trâm phải dùng thau, chậu để hứng nước, còn mùa nắng thì oi nóng như lò nung. Nỗi lo lớn nhất của bà Trâm là khi bão gió kéo đến, ngôi nhà liêu xiêu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, bà phải đi sơ tán.

Sau khi nhà mới hoàn thành, những nỗi lo kể trên cũng dần tan biến, bà Trâm yên tâm, khoẻ mạnh hơn.

Không chỉ bà Trâm, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Hải Lăng cũng được chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm chia sẻ, hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà cửa khang trang, cứng cáp hơn.

Nhằm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, những năm qua, huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực.

Những ngày này, gia đình chị Trần Thị Thanh, trú thôn Đông Tân An, xã Hải An đang chăm sóc đàn gà gần 200 con để kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán cho được giá. Trước đó, cuối tháng 9, gia đình chị Thanh được huyện Hải Lăng hỗ trợ 200 con gà lai chọi và 500kg thức ăn hỗn hợp cho gà. Không chỉ vậy, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn tập huấn, tận tay hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà cho chị Thanh. Với tinh thần ham học hỏi, cần cù, chịu thương chịu khó, chị Thanh đã nuôi gà thành công, tốc độ tăng trưởng tốt.

Tươi mới Hải Lăng - Ảnh 2.

Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Vy Anh.

Ông Lê Đức Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân là ưu tiên hàng đầu của địa phương. Vì vậy, nhiều năm qua, Hải Lăng đã sử dụng lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi xã hội hoá để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên. Không chỉ hỗ trợ nhà ở, cây, con giống, huyện Hải Lăng còn hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp, trao quà, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, … cho hộ khó khăn. Cùng với đức tính cần cù, tiết kiệm, những hộ nghèo được hỗ trợ đã vươn lên trong cuộc sống.

Đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Theo ông Thịnh, sau 12 năm triển khai, đến nay Hải Lăng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hải Lăng đã hoàn thành tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người huyện Hải Lăng đạt trên 66 triệu đồng/người/năm.

Ông Thịnh cho biết, có được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp cùng tinh thần phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Lăng.

Tươi mới Hải Lăng - Ảnh 3.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Trong ảnh là giải đua thuyền ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Ảnh: Quang Giang.

Trong đó, huyện Hải Lăng đã triển khai tích cực công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, người dân là chủ thể.

Những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới được lan toả, khen thưởng kịp thời.

Huyện đã huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, Hải Lăng đã huy động hơn 2.800 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn lực từ cộng đồng dân cư chiếm 13,3%.

Huyện Hải Lăng xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Bởi giao thông thuận lợi tác động lan toả rất lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Vì thế, địa phương đã dành phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển để hoàn thiện tiêu chí này.

Qua 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, từ nguồn vốn của ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Từng là địa phương có km đường đất nhiều nhất tỉnh, đến nay, toàn bộ đường xã, thôn, liên thôn ở huyện Hải Lăng đã được nhựa hoá, bê tông hoá và cứng hoá, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Không chỉ trong khu dân cư, 100% đường trục chính nội đồng của huyện Hải Lăng – vựa lúa của tỉnh Quảng Trị cũng được cứng hoá, giúp nhân dân thuận lợi phát triển sản xuất.

Tươi mới Hải Lăng - Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Hải Lăng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.V

Từ điểm sáng trong phát triển mạng lưới giao thông, các tiêu chí khác như thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá… được Hải Lăng đầu tư đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được xây dựng đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững; phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại; môi trường trong lành; an ninh, chính trị ổn định.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Hải Lăng sẽ có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 thôn kiểu mẫu, 15 vườn mẫu; thu nhập bình quân đầu người trên 100 triệu đồng.

Ông Hà Sỹ Đồng – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới là rất khó khăn, nhưng để giữ vững và nâng cao các tiêu chí còn khó hơn nhiều lần. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hải Lăng phải không ngừng phấn đấu, quyết tâm, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Huyện Hải Lăng có tổng diện tích tự nhiên 42.736 ha, dân số 110.096 người, gồm 15 xã và 1 thị trấn.

Lúc 18h ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng, mảnh đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 3/1977, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong được hợp nhất thành huyện Triệu Hải, thuộc tỉnh Bình – Trị - Thiên.

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ngày 23/9/1990, huyện Triệu Hải được chia tách thành huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong, từ đó Hải Lăng trở lại với tên gọi của chính mình.

Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, huyện Hải Lăng đã có những thành tựu nổi bật, đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Hải Lăng đang phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030 và trở thành thị xã vào năm 2040.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem