Xung quanh con số này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thành viên Ban cố vấn Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM. Ông Hùng cho biết:
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thành viên Ban cố vấn Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM
- Tại cuộc họp vừa qua, Ban soạn thảo chương trình đã đề xuất nguồn vốn dự kiến cho nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 1.003.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến nói rằng, con số hơn 1 triệu tỷ đồng là quá lớn, nhưng theo cân đối tính toán của chúng tôi, nguồn vốn này chưa phải là nhiều, vì khi xây dựng Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như tính toán nguồn lực cho xây dựng NTM, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ. Để 1 xã triển khai xây dựng NTM đạt được 19 tiêu chí, có thay đổi rõ rệt về hạ tầng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân thì mỗi xã cần bình quân 150 tỷ đồng, nhân với tổng số hơn 9.000 xã của cả nước thì sẽ ra con số hơn 1 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, chúng ta sẽ huy động từ các nguồn nào, thưa ông?
Trẻ em xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đọc sách báo tại phòng thư viện trong Bưu điện văn hoá xã. Ảnh: Trần Quang
- Về con số 150 tỷ đồng/xã, cơ cấu vốn ban đầu đề ra là vốn ngân sách chiếm khoảng 40% (bao gồm ngân sách T.Ư và địa phương), trong đó 17% là vốn trực tiếp của chương trình, 23% vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư thường xuyên của các địa phương; vốn tín dụng khoảng 30%; vốn từ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác 20% và vốn huy động từ nhân dân 10%. Bên cạnh đó, chúng ta có thể huy động vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác như nước sạch, môi trường...
Giai đoạn vừa qua, có một số địa phương còn đầu tư cho NTM lớn hơn cả số vốn chúng tôi dự toán, lên tới 300 – 400 tỷ đồng, nhưng cũng có xã chỉ cần 50- 70 tỷ đồng là đã xong NTM. Chúng ta phải hiểu rằng, dù các xã có làm xong NTM thì họ sẽ vẫn phải tiếp tục vay vốn tín dụng, huy động từ các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho nhân dân chứ không phải làm NTM xong là ngồi chơi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2011 đến nay nguồn vốn huy động rất khó khăn. Vậy giai đoạn tới chúng ta sẽ huy động ra sao, thưa ông?
- Nhìn chung nguồn vốn cho NTM giai đoạn vừa rồi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vì chúng ta triển khai đúng vào giai đoạn suy thoái kinh tế, do đó nguồn lực ngân sách cả T.Ư và địa phương đều giảm, kể cả vốn đóng góp ủng hộ của DN và vốn đầu tư của DN cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều giảm rất rõ. Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, vốn của DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt 6,1%, trong khi dự kiến ban đầu là 20%. Ngay cả vốn ngân sách cũng giảm sâu, chỉ đạt khoảng 32,5% và bao gồm tất cả các chương trình dự án cộng lại. Trong đó, vốn trực tiếp cho chương trình chỉ có 5%, trong khi dự kiến ban đầu là 17%.
Theo tôi biết, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ năm 2011 đến nay khoảng 193.300 tỷ đồng, thua xa mục tiêu ban đầu. Riêng vốn tín dụng, chúng ta lại đạt khá cao, trên 48,35%, chứng tỏ việc thu hút vốn từ nguồn này rất hiệu quả.
Ví dụ như năm 2014, theo báo cáo từ Ban chỉ đạo T.Ư, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là hơn 157.814 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 31,3% (vốn T.Ư đầu tư trực tiếp 5.255 tỷ đồng, chiếm 3,3%; vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 4.765 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết 490 tỷ đồng); vốn ngân sách lồng ghép 15%; vốn ngân sách địa phương 13%; vốn tín dụng 85.032 tỷ đồng, chiếm 53,6%; doanh nghiệp 5.851 tỷ, đạt 3,71% và dân cư đóng góp 18.074 tỷ đồng, đạt 11,45%.
Nhiều người cho rằng giai đoạn 1 chúng ta đã huy động rất nhiều vốn, do đó giai đoạn tới khó có thể huy động được vốn lớn như dự kiến, nhất là trong cộng đồng dân cư vì đã đóng góp nhiều quá?
- Trong giai đoạn mới, cơ cấu vốn đã có sự thay đổi. Rất may là năm vừa qua, Nhà nước đã cho sử dụng vốn từ xổ số kiến thiết chuyển sang và huy động từ vốn TPCP. Nếu không có thêm 2 nguồn này thì thực sự vốn cho chương trình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Riêng việc huy động vốn từ nhân dân, giai đoạn 1 chúng ta làm khá tốt, chiếm 11,6%, do đó giai đoạn tới mục tiêu chúng ta đề ra cũng không quá cao, dự kiến khoảng 10%.
Tuy nhiên, ngân sách sẽ ngày càng khó. Trong khi Nghị quyết về tam nông của Đảng đã quy định nguồn vốn 5 năm sau phải gấp 2 lần 5 năm trước. Ngoài ra, trong chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, chúng ta cũng nhấn mạnh rất rõ là nguồn lực đầu tư một số lĩnh vực có thể phải giảm, nhưng nguồn lực cho tam nông sẽ không giảm. Vì vậy mà mới có con số hơn 1 triệu tỷ đồng mà Ban soạn thảo đã đề xuất trong Tờ trình. Nhưng tôi cho rằng, nguồn vốn như vậy vẫn chưa đạt yêu cầu thực tế, đúng ra phải tăng gấp đôi.
Vậy theo ông, để có nguồn lực đầu tư phù hợp, hiệu quả cho chương trình trong giai đoạn mới, chúng ta cần đề xuất những gì?
- Vừa qua Quốc hội đã thông qua gói TPCP 170.000 tỷ đồng, nhưng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chiếm rất ít, mới đạt 5.000 tỷ đồng. Do đó, trước hết tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải dành thêm vốn TPCP cho khu vực tam nông và xây dựng NTM, nếu được gấp đôi thì sẽ khác ngay.
Thứ 2, cần “mở” chính sách cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút nhiều hơn vốn FDI. Thứ 3, ngay trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn, phải dành nhiều hơn cho đầu tư phát triển sản xuất bền vững. Giai đoạn vừa qua chúng ta dành quá nhiều vốn cho thủy lợi, lên đến 80% tổng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mà lại chủ yếu chi cho xây dựng hồ đập lớn. Thứ 4, phải kêu gọi được vốn ODA dành cho nông nghiệp.
Thứ 5, nên chăng cần có một gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp để tăng vốn cho chương trình xây dựng NTM, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: Tái cơ cấu nông nghiệp và dành một phần ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nhanh thu nhập và giảm nghèo, chứ không chỉ dành riêng cho hộ nghèo, hộ khó khăn như trước đây; đẩy mạnh cơ giới hóa; đầu tư cho các dịch vụ có thu, như xử lý rác thải, cho vay phát triển kiên cố hóa kênh mương. Nói như vậy để thấy, chúng ta có nhiều cách để tăng nguồn vốn chứ không phải chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; thu nhập của cư dân nông thôn tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; bình quân các xã đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Theo Bộ NNPTNT, trong 3 năm 2011 - 2013, chương trình xây dựng NTM đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỷ đồng, chiếm 33,4%; vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 50.048 tỷ đồng (10,3%). Các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900,91 tỷ đồng, chiếm 6%; người dân đóng góp 62.841,07 tỷ đồng, chiếm 13%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.