Xây dựng NTM: Không chạy theo thành tích

Thứ ba, ngày 10/11/2015 06:00 AM (GMT+7)
Sau 5 năm xây dựng NTM, Long An có 43 xã đạt chuẩn NTM chiếm 25,9% tổng số xã toàn tỉnh.
Bình luận 0

Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên 28 triệu đồng năm 2014, ước năm 2015 đạt 31,2 triệu đồng/người/năm.

BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Long An vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

img

Thanh long, mô hình trồng trọt mang lại kinh tế cao ở Long An.

Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 25,9% tổng số xã toàn tỉnh); 62 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, chiếm 37,3% (năm 2010 chưa có xã nào đạt từ 14 tiêu chí trở lên); 57 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, chiếm 34,3% (tăng 42 xã so với năm 2010); 14 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí, chiếm 8,4% (giảm 70 xã so với năm 2010). Không còn xã đạt dưới 6 tiêu chí (năm 2010 còn 67 xã).

Trong đó về giáo dục, toàn tỉnh đã có 379/645 trường học đạt chuẩn (58,7%) trong đó có 89/166 xã đạt chuẩn trường học (53,6%); có 50 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông. Thủy lợi được coi là đòn bẩy thúc đẩy SX nông nghiệp, toàn tỉnh đã có 158 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Các dự án thủy lợi đưa vào sử dụng, góp phần từng bước hình thành các vùng SX lớn, chuyên canh…

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An, cho biết, thực hiện được các kết quả trên, ngoài sự nỗ lực chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, sự phối hợp, lồng ghép nhuần nhuyễn các chương trình khác vào Chương trình MTQG xây dựng NTM, còn nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và các DN đóng góp vật chất xây dựng giao thông và các công trình phúc lợi như Cty TNHH MTV Thuận Phúc Hảo (xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) đóng góp 1,8 tỷ đồng làm đường giao thông, Quân khu 7 tài trợ cho xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ) trên 25 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn; nhiều hộ nông dân hiến đất cho các công trình NTM…

Nhờ vậy qua từng năm đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng, năm 2010 lên 28 triệu đồng năm 2014, ước năm 2015 đạt 31,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,37 năm 2011 xuống còn 2,98% năm 2014 (trong đó thành thị 0,41%, nông thôn 2,57%), ước năm 2015 giảm còn 2,6%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 96,4% năm 2010 lên 97,6% năm 2015.

Nói về cách thực hiện sắp tới, ông Nguyễn Thanh Nguyên nhấn mạnh, Long An xây dựng NTM không hạy theo thành tích mà hướng đến mục tiêu thụ hưởng thiết thực của người dân nông thôn. Do vậy cần tập trung xây dựng những chỉ tiêu cần thiết trước: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá… Những chỉ tiêu chưa đạt chuẩn nhưng không cấp thiết như nhà văn hóa ấp, nghĩa trang… thì có quy hoạch hợp lý.

Về SX nông nghiệp, tiếp tục phát triển ổn định. Cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng; SX lúa theo cánh đồng lớn được xem là mô hình liên kết có hiệu quả, bền vững từ SX đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng và phủ kín vùng lúa chất lượng cao của tỉnh. SX lúa theo cánh đồng lớn có năng suất cao hơn, giá thành SX giảm từ 2,5-3 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn từ 100-150 đ/kg so với SX ngoài cánh đồng lớn.

Do vậy, diện tích cánh đồng lớn năm 2011 là 2.477 ha, đến năm 2015 tăng lên 28.209 ha (chiếm 5,6% tổng diện tích gieo trồng).

Tỉnh đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh, như lúa, thanh long, bắp, mè, rau, chanh thương phẩm, gia cầm, heo, bò sữa, cá nước ngọt, tôm… Các vùng chăn nuôi tập trung của tỉnh được hình thành theo hướng trang trại và đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài ra tỉnh đã triển khai thực hiện một số mô hình SX nông nghiệp công nghệ cao, như: Dự án phát triển giống bò sữa sử dụng tinh phân biệt giới tính; Dự án nuôi trâu hướng thịt; ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer; trồng rau thủy canh trong nhà lưới; ứng dụng công nghệ cao trong SX rau an toàn...

Sau khi phát động xây dựng NTM giai đoạn 2, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhấn mạnh: Đa phần các xã đã đạt NTM là các đơn vị dễ thực hiện nhờ địa bàn thuộc diện tích trung bình và nhỏ. Với các xã đã và đang đạt NTM vẫn phải nỗ lực bảo vệ thành quả đạt được. Kế hoạch 50% xã đạt chuẩn NTM trong 5 năm tới là rất cao và khó khăn. Mặc dù tỉnh tiếp tục phân bổ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện NTM, tuy nhiên mỗi địa phương vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia xây dựng NTM.

5 năm qua chúng ta xây dựng NTM trong điều kiện các DN cực kỳ khó khăn nhưng 5 năm tới kinh tế có nhiều chuyển biến, do vậy cần tiếp tục công tác vận động một cách mềm dẻo và hợp lý để huy động các lực lượng cùng xây dựng NTM đạt mục tiêu quốc gia.

PHƯƠNG CHI - LÊ HOÀNG VŨ (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem