Anh Hoàng Bình sống tại một khu đô thị thuộc phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cách đây gần 2 năm (cuối năm 2020), khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho cư dân, hầu như ở đây không có một trạm sạc xe điện nào, kể cả dành cho xe máy điện.
Tuy nhiên, nửa năm qua, những trạm sạc ôtô điện bất ngờ mọc lên dọc tuyến đường trong khu đô thị. Ở mỗi lốt đỗ xe, chủ đầu tư đều lắp các trạm sạc dành cho cả xe ôtô và xe máy điện.
Theo anh Bình, hiện nay, nhiều khu đô thị khác ở thành phố Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện việc lắp đặt các cổng sạc dành cho xe ôtô điện. Anh cho biết, việc quy hoạch các trạm sạc xe điện không chỉ thúc đẩy phát triển hạ tầng, khuyến khích sử dụng xe điện mà còn tránh tình trạng trùng lắp, lãng phí. Hiện, Bộ GTVT và các địa phương đang nghiên cứu để xây dựng quy hoạch này.
Hiện đã có một số doanh nghiệp xây dựng các trạm sạc xe điện tại Việt Nam như VinFast, Hyundai, Porsche và Audi, nhằm mục đích phục vụ cho các sản phẩm xe điện của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình tự triển khai mạng lưới trạm sạc, các đơn vị đi đầu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm sạc VinFast, doanh nghiệp phải tự mày mò tìm giải pháp cho mình. Trước hết là về địa điểm, do các địa phương chưa có quy hoạch về loại hạ tầng này nên doanh nghiệp phải tự xác định.
Chẳng hạn, địa điểm có lưu lượng nhiều xe điện thì VinFast tự đề xuất vị trí và đàm phán.
Thứ hai là về cự ly các trạm sạc, VinFast đang áp dụng khoảng cách đặt các trạm sạc có bán kính tối đa 30km, tương tự như Châu Âu.
Nếu không có quy hoạch, trạm sạc sẽ được đầu tư theo hướng “trăm hoa đua nở”
Ông Nguyễn Thành Trung Hiếu - Công ty TNHH Thiết bị và Giải pháp sạc điện EV1 - cho rằng, việc xây dựng quy hoạch trạm sạc xe điện có thể giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều vấn đề.
Nếu không có quy hoạch, trạm sạc sẽ được đầu tư theo hướng “trăm hoa đua nở”, có thể dẫn đến việc trùng lắp, lãng phí trong cùng một khu vực nếu số thiết bị vượt quá mức yêu cầu; chưa nói đến lãng phí về truyền dẫn điện năng.
Việc quy hoạch cũng sẽ làm tiền đề để các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm EV, kích thích thị trường. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng có thể mạnh dạn hơn khi lựa chọn các sản phẩm xe điện, là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư mạng lưới hạ tầng thiết bị sạc điện.
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc có thể dựa trên quy hoạch để nắm được quy mô trong giai đoạn đầu tư ban đầu này để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Bản quy hoạch cũng là cơ sở để các bộ, ngành khác và EVN tham khảo, đưa ra được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp cho việc đầu tư vào xe điện, trạm sạc điện tại Việt Nam.
Các địa phương dựa trên cơ sở quy hoạch sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể, chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia vào phát triển hạ tầng dễ dàng hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.