Xây dựng thành công mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân Nghệ An liên kết sản xuất, thu nhập tăng

Thu Hà Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:45 PM (GMT+7)
Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tích cực đồng hành cùng hội viên nông dân nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể để liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Dấu ấn rõ nét của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Thanh Chương tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể với các mô hình trồng chè, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Xuân Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết: Toàn huyện Thanh Chương hiện có hơn 4.700 ha chè; gần 500 ha cam; gần 330 ha bưởi; hơn 100 ha bí xanh; hơn 23.000 ha keo (trong đó có gần 6.500 ha có chứng chỉ FSC).

Hiện nay, huyện Thanh Chương vừa ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng năm 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể được đặt ra là sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chè, cam, bưởi hữu cơ đạt bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041:2017) và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng tại Việt Nam; xây dựng huyện Thanh Chương trở thành địa phương phát triển sản xuất cây chè, cam, bưởi hữu cơ tiên phong, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo về môi trường, về sức khoẻ cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Xây dựng thành công mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân Nghệ An liên kết sản xuất, thu nhập tăng

- Ảnh 1.

Nông dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thu hoạch chè

Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để phát huy vai trò chủ thể của hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cấp Hội Nông dân huyện Thanh Chương cũng đã thể hiện vai trò rõ nét trong liên kết hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.

Để thành lập HTX tại cơ sở, Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương và trên cơ sở đó, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Quá trình triển khai, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo xây dựng chương trình, giải pháp thiết thực phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị và tập quán canh tác của nông dân.

Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vay vốn, dạy nghề, tập huấn KHKT, cung ứng vật tư nông nghiệp cũng được các cấp hội quan tâm thực hiện. Trong đó, chú trọng việc phối hợp để tập huấn trang bị kiến thức về sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết hợp tác và theo chuỗi giá trị; tổ chức hội thảo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người sản xuất triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và có cơ hội để gặp gỡ, kết nối... để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Điển hình như mô hình Hợp tác xã nông nghiệp – chế biến chè Thanh Mai ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương có 14 thành viên, trong đó có 12 hộ sản xuất với diện tích 18ha và 2 hộ chế biến.

Đặc biệt, tháng 12/2023, HTX nông nghiệp chế biến chè Thanh Mai, huyện Thanh Chương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển HTX trồng chè hữu cơ gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Mai.

Theo đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ HTX lắp đặt hệ thống tưới phun tự động trên diện tích 2,4ha chè và hỗ trợ 18,9 tấn phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Xây dựng thành công mô hình điểm HTX để hội viên tham quan, học hỏi, nhân rộng 

Xây dựng thành công mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân Nghệ An liên kết sản xuất, thu nhập tăng

- Ảnh 2.

HTX nông nghiệp chế biến chè Thanh Mai, huyện Thanh Chương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển HTX trồng chè hữu cơ gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Cũng theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thanh Chương, ngay sau khi bàn giao vật tư cho mô hình HTX nông nghiệp - chế biến chè Thanh Mai, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị tập huấn nhân rộng mô hình tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương.

Dự Hội nghị tập huấn có ông Nguyễn Văn Hiến – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Võ Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An; Thường trực Hội Nông dân huyện Thanh Chương; lãnh đạo xã Thanh Mai; HTX nông nghiệp chế biến chè Thanh Mai; 120 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ trang trại, thành viên HTX là hội viên nông dân trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Văn Hiến – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể; vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá. Đồng thời tại hội nghị tập huấn, các đại biểu cũng được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ.

Xây dựng thành công mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân Nghệ An liên kết sản xuất, thu nhập tăng

- Ảnh 3.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Hội thăm dây chuyền chế biến chè của anh Nguyễn Văn Đường - Giám đốc HTX nông nghiệp - chế biến chè Thanh Mai

Kiến thức tại buổi tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn thành phố về mục đích, ý nghĩa,vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội nông thôn.

Đánh giá cao hiệu quả mô hình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương Nguyễn Xuân Khánh khẳng định: Được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, các thành viên trong HTX nông nghiệp - chế biến chè Thanh Mai đã liên kết chặt chẽ với nhau trong việc cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thu mua sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho nhà máy chế biến chè.

Mô hình HTX nông nghiệp - chế biến chè Thanh Mai thành công giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Thu nhập và mức sống của các hộ tham gia mô hình cao hơn 15% so với các hộ khác trong vùng.

Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Bám sát nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, trong năm 2023, các cấp Hội đã triển khai hỗ trợ nông dân xây dựng được nhiều mô hình kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận tốt hơn kỹ thuật mới, cách thức tổ chức sản xuất tiên tiến. Trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trực tiếp hỗ trợ xây dựng được 168 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng miền và có tính lan toả tốt.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp với các ban Trung ương Hội triển khai thực hiện 3 dự án, trong đó có phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển HTX trồng chè hữu cơ gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ mô hình điểm này, năm 2024, các cấp Hội sẽ cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham quan học hỏi kinh nghiệm để từ đó áp dụng vào liên kết sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng thành công mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân Nghệ An liên kết sản xuất, thu nhập tăng

- Ảnh 4.

Sản phẩm chè Đường Thích của anh Nguyễn Văn Đường - Giám đốc HTX nông nghiệp - chế biến chè Thanh Mai đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh xây dựng các mô hình, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 415 gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận nền tảng số, phát triển thương mại điện tử, đưa 8.836 sản phẩm nông sản lên sàn.

Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đóng góp công sức, tiền của để tham gia xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh đã xây dựng được 481 vườn mẫu nông dân, 190 vườn chuẩn nông thôn mới, 424 "Hàng cây nông dân ơn Bác"; 40 "Vườn cây nông dân ơn Bác"; xây dựng được 636 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất được 33.932 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Từ hiệu quả mô hình HTX nông nghiệp – chế biến chè Thanh Mai, năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh uyên truyền vận động nông dân chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tốt các chính sách phát triển, tiếp cận những vấn đề phát triển nông nghiệp hiệu quả như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Đồng thời, Hội phát triển mạnh quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội và phong trào nông dân; đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp, tạo tiền đề phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem