Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam
Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hoá, các văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Đây là sự kiện văn hoá, chính trị - xã hội lớn, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với định hướng chính trị của Đảng về tập trung nghiên cứu, xây dựng giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, là hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm".
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý đã đưa ra những trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm, bài học của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, các ban, bộ, ngành, địa phương sau 1 năm triển khai thực hiện các chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, nhằm góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: "Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia – dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt"; "Hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu". Ông cũng nêu ra một số vụ việc tuy đặc thù nhưng báo hiệu sự xuống cấp của con người trong xã hội, như vụ ba cô con gái đốt xăng sát hại mẹ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Minh- Viện trưởng Viện Gia đình và Giới nêu rõ tầm quan trọng xây dựng Hệ giá trị gia đình, đề cập thực trạng đáng báo động về bạo lực gia đình cũng như việc tình trạng ly hôn tăng nhanh. Ông Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP. HCM cho rằng: "Muốn các giá trị con người Việt Nam đi vào cuốc sống phải cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh. Chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của mọi người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn".
Các ý kiến tham luận đều thống nhất nhận định: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo Quốc gia đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý. Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hoá các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương.
Thứ ba, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động ăn hoá - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương.
Thứ tư, cấp uỷ và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực.
Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hoá các giá trị đã được đề cập tại Hội thảo.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hoà bìnhm thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Đoàn Văn Báu - Vụ Trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào năm 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo nhấn mạnh rằng: Nếu như trước đây "văn hoá soi đường cho quốc dân đi", thì trong giai đoạn hiện tại, văn hoá có nhiệm vụ chấn hưng đất nước. Có văn hoá thì có dân tộc. Đất nước chúng ta đang trải qua những khó khăn nhất định nhưng cũng có nhiều thành tựu lớn, song hành cùng nhiều thách thức. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy những nhân tố văn hoá, từ những giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị về quốc gia dân tộc...
Chúng tôi tổ chức Hội thảo toàn quốc lần này nhằm nhận diện, nhận thức rõ hơn những chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Song hành với điều đó, chúng tôi cũng muốn nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được sau một năm Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức, trong nhận thức cũng như trong thực tiễn.
Có thể thấy, trong một năm qua, nhận thức và tầm nhìn về văn hoá đã có nhiều thay đổi, các thể chế về văn hoá cũng đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, để tiếp tục đưa văn hoá trở thành trụ cột thứ 3, cùng với kinh tế, chính trị, chúng ta phải tiếp tục nhìn nhận khó khăn, thống nhất nhận thức, vận động thực tiễn. Quá trình hành động sẽ bổ sung cho lý luận".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.