Vĩnh Phúc phát triển lên thành thành phố trực thuộc trung ương
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt có vai trò quan trọng để tạo nên sức mạnh liên kết, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế vùng theo hướng hiệu quả và bền vững.
Trong hơn 26 năm qua kể từ khi được tái lập, Vĩnh Phúc vươn lên mạnh mẽ từ một tỉnh nghèo, thuần nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương.
Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 158.000 tỉ đồng, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 14 trên cả nước. Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng ở vị trí thứ 9 cả nước...
Hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp… ngày càng được hoàn thiện đồng bộ. Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Mục tiêu phát triển quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có đời sống cao, hạnh phúc…
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng đô thị, công nghiệp trung tâm tỉnh bao gồm thành phố Vĩnh Yên và các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ).
Đây là khu vực có quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông, năng lượng phát triển, có thể sử dụng các dịch vụ sẵn có từ thành phố Vĩnh Yên, thuận lợi cho phát triển đô thị, dịch vụ và hình thành các khu công nghiệp (KCN); các trung tâm thương mại cấp vùng, trong khu vực có khu du lịch Đại Lải, Đầm Vạc, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và các điểm đến có cảnh quan đẹp.
Vĩnh Phúc "chuyển mình" theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số
Phương án phát triển vùng đô thị và công nghiệp trung tâm là tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên theo hướng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II trực thuộc tỉnh; đô thị Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương là đô thị loại IV với định hướng thành thị xã Vĩnh Tường và thị xã Bình Xuyên, đầu tư xây dựng thị trấn Tam Hồng, Hợp Hòa, Thổ Tang, Tứ Trưng.
Mở rộng các khu đô thị, khu dân cư mới tại hồ Sáu Vó, xã Ngọc Thanh, quanh hồ Đại Lải. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại của khu vực.
Thu hút đầu tư phát triển KCN; tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, CCN. Thu hút dân cư, các dự án đầu tư theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cấp chất lượng, mở rộng thêm năng lực cung cấp các loại hình dịch vụ; quy hoạch quỹ đất, tạo mặt bằng thu hút đầu tư hình thành các trung tâm thương mại, chợ tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các khu vực dự kiến hình thành đô thị.
Đối với phát triển đô thị động lực, tỉnh quy hoạch phát triển thành phố Vĩnh Yên đóng vai trò đô thị động lực của vùng đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ, có vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, đồng thời là trung tâm đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó xác định đô thị động lực thời kỳ 2021 - 2030 có vai trò lớn hơn trong đóng góp vào tỷ trọng giá trị kinh tế toàn tỉnh. Theo đó, vùng trung tâm sẽ đóng vai trò trọng yếu trong thúc đẩy đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Vĩnh Phúc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu phạm vi toàn vùng của tỉnh.
Định hướng lớn của đô thị động lực là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị tại các phường, xã phía Nam thành phố nhằm mở rộng quy mô đô thị, thúc đẩy đô thị hóa, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu đô thị mới.
Quá trình phát triển các đô thị mới tại phía Nam thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Vĩnh Tường và xã Ngọc Thanh được điều hành phát triển trong mối tương quan với tiến độ thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN Nam Bình Xuyên - Yên Lạc và Tam Dương. Trên cơ sở quy hoạch mới, tạo địa bàn phát triển mới ở thành phố, tổ chức thu hút đầu tư, thúc đẩy mở rộng quy mô, nâng cấp phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Đồng thời đầu tư các công trình hạ tầng lớn, có vai trò thúc đẩy thành phố phát triển gồm các tuyến đường kết nối với Hà Nội tại khu vực Yên Lạc - Vĩnh Tường, đường Vành đai 5, đường kết nối huyện Mê Linh sang huyện Bình Xuyên, Quốc lộ 2... Xây dựng các trục đường, phố chính đô thị theo quy hoạch nhằm kết nối các phường nội thị (đô thị lõi) với các xã, phường nhằm sớm hình thành hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển cho khu vực trung tâm tỉnh...
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt từ 10,5 - 11%/năm; tổng sản phẩm GRDP ước đạt hơn 478 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân/người đạt khoảng 285 triệu đồng/năm.
Việc tỉnh chủ động quy hoạch để hình thành các vùng kinh tế - xã hội nhằm tạo sức mạnh liên kết để giải quyết triệt để các vấn đề mà từng địa phương đơn lẻ theo địa giới hành chính riêng không giải quyết được; đồng thời đảm bảo tính thống nhất chung toàn tỉnh trong việc phát triển đồng bộ và bền vững.
Việc xác định vùng đô thị động lực trung tâm là cơ sở khoa học để phân vùng phát triển, phân bổ các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị; bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dùng chung, đầu tư trọng tâm, phục vụ hiệu quả hơn trong tương lai.
Đồng thời sẽ hình thành vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ - thương mại phát triển nhanh, bảo đảm sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương trong vùng.
Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chủ động xây dựng các công trình giao thông và quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội tạo sự liên kết nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực, kiến tạo thêm không gian phát triển.
Cần cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ thúc đẩy liên kết phát triển vùng
Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và thành phố Hà Nội.
Để tạo liên kết vùng có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc đã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm như dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc; dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; ký thỏa thuận với tỉnh Tuyên Quang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang như Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D,….
Hiện tại tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc nhằm kết nối với tỉnh Thái Nguyên; thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với Thành phố Hà Nội; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, từng bước hoàn thiện tuyến đường Vĩnh Yên - Phú Xuyên theo Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội...
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên kết phát triển vùng, Vĩnh Phúc chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực hiện Kế hoạch quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".
Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ...
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thông thoáng trong triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển liên kết vùng, Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi,… tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư công và bố trí vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế xã hội.
Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung thêm danh mục được áp dụng chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại Nghị quyết số 106 của Quốc hội cho phép tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, Vĩnh Phúc đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.