Hội NDVN tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi ở Vĩnh Phúc
Trung ương Hội Nông dân tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi tại Vĩnh Phúc
Đức Thịnh
Thứ hai, ngày 04/11/2024 18:24 PM (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ sinh học, chú trọng xử lý chất thải trong chăn nuôi giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, tận dụng tối đa các phế phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì thế, mô hình này đang được nhiều hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng, nhân rộng.
Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa
Là hộ nông dân giỏi tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Văn Dụng, thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: "Gia đình tôi nuôi bò sữa từ năm 2001, hiện, quy mô đàn bò là 20 con. Để giảm ô nhiễm môi trường, gia đình tôi đã xây hầm biogas kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học là men sống chăn nuôi đa tác dụng và chế phẩm vi sinh để trộn vào thức ăn, nước uống cho bò và dùng để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó, lượng phụ phẩm giảm rõ rệt, mùi hôi chuồng trại cũng giảm".
Ông Trần Duy Thơ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường cho biết: Toàn huyện Vĩnh Tường hiện có hơn 15.500 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở các xã: Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh. Tổng sản lượng sữa bò của huyện khoảng 50.000 tấn/năm, doanh thu đạt 800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy, thu nhập từ nuôi bò sữa cao hơn so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Nhờ nuôi bò sữa mà hàng ngàn hộ nông dân của huyện Vĩnh Tường đã có thu nhập bình quân từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ nuôi bò bữa ở đây đều là quy mô nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi ngay trong khu dân cư nên nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát, mặc dù các hộ dân đã áp dụng nhiều biện pháp như sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, khử mùi hôi, hạn chế ruồi muỗi... Bên cạnh đó, do quỹ đất hạn hẹp, việc chăn nuôi trong khu dân cư còn khiến bà con không thể tăng đàn, mở rộng quy mô; khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để giải quyết vấn đề này, hướng chính là phải di dời đàn bò sữa ra khỏi khu dân cư. Năm 2023, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn giai đoạn từ năm 2023 đến 2030.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học cho nông dân Vĩnh Phúc
Là tổ chức chính trị xã hội của nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò sữa; sử dụng các biện pháp an toàn sinh học cho cây trồng, vật nuôi, chú trọng phòng, chống dịch bệnh… Qua đó nhằm nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân, cuối tháng 10/2024 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông và chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân của các xã An Tường, Vĩnh Ninh, Phú Đa, Tuân Chính, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường).
Tại lớp tập huấn, các hội viên nông dân được truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chương trình của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; vai trò của Hội Nông dân các cấp trong bảo vệ môi trường nông thôn.
Các hội viên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vật tư, chế phẩm sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi; tham gia xây dựng mô hình điểm; thực hiện kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên tham gia mô hình.
Thông qua lớp tập huấn giúp hội viên nông dân biết cách sử dụng vật tư, chế phẩm sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh. Từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên trong việc xây dựng nghề chăn nuôi an toàn sinh học, chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.