Cây cổ thụ kỳ mỹ sống qua 700 năm tuổi vẫn xanh tốt ở vùng đất cổ tích của Vĩnh Phúc

Thứ bảy, ngày 19/10/2024 05:27 AM (GMT+7)
Ở thôn Thượng Lạp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) có một cây duối cổ thụ hơn 700 năm tuổi. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, cây duối vẫn vươn mình hiên ngang, mang nét đẹp cổ kính, độc đáo, trường tồn với thời gian.
Bình luận 0

Cây duối-cây cổ thụ hơn 700 năm tuổi được nhân dân thôn Thượng Lạp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) coi như báu vật và luôn quan tâm chăm sóc, bảo vệ để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Cây duối nằm trong khuôn viên ngôi miếu thờ Đống Vịnh đại vương, vị tướng tài đã lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Đông Hán. Theo thần tích, thần sắc làng Thượng Lạp, mẹ của Đống Vịnh là người làng Thượng Lạp, họ Tạ, tên là Ả Nương, nhờ duyên trời ban mà có thai, sinh ra Đống Vịnh.

Khi sinh ra, ngài đã có vóc dáng như Sơn thần xuất thế. Vào năm 18 tuổi, Đống Vịnh chiêu mộ 200 nghĩa binh kéo quân về dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc Đông Hán, lập nhiều chiến công.

Trong trận quyết chiến với Mã Viện, quân của Đống Vịnh thất thế, phải lui về Thượng Lạp cố thủ. Khi quân giặc đuổi đến, ông đã cùng quân sĩ và dân chúng kiên cường chống trả.

Sau khi phá được vòng vây, ông chỉ huy quân rút ra cánh đồng ven sông Đáy. Để đánh lạc hướng giặc, ông trà trộn vào đám trẻ chăn trâu, bám theo một con bò xuống nước bơi qua sông sang bờ bên kia.

Tới đầm sen Liên Hồ, nay là thôn Sen Hồ, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, ông kiệt sức và nhảy xuống đầm tự vẫn. Thi hài ông trôi theo dòng chảy về doi đất bên bờ sông làng Thượng Lạp. Chỗ thi hài của ông, mối đắp lên thành mộ. Nhân dân làng Thượng Lạp thấy thế bèn lập miếu thờ.

img

 

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, cây cổ thụ-cây duối 700 năm tuổi ở thôn Thượng Lạp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn mang nét đẹp cổ kính, độc đáo, trường tồn với thời gian. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Trải qua biến thiên của lịch sử, dấu tích của ngôi miếu cổ không còn tồn tại. Đầu thế kỷ XIX, nhân dân Thượng Lạp tôn tạo, xây dựng miếu Đống Vịnh theo kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 3 gian đại bái và hậu cung, trong đó có lăng mộ thờ ngài. 

Trong kháng chiến, đình bị phá hủy, chỉ còn lại phần lăng mộ. Năm 2019, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại ngôi miếu thờ trên nền móng cũ.

Trong khuôn viên miếu vẫn luôn hiện hữu cây duối cổ thụ. Cây cao khoảng 20 m, đường kính gốc cây gần 1 m. Thân cây thẳng, nhiều cành nhánh xum xuê, xanh tốt. 

Ngoài phần thân chính, từ gốc cây mọc ra các nhánh phụ uốn cong khiến cho tổng thể hình dáng cây trở nên mềm mại, uyển chuyển. Cây duối và miếu Đống Vịnh là nhân chứng sống ghi lại dấu ấn lịch sử của dân tộc, tôn vinh và tưởng nhớ công lao to lớn của Đống Vịnh đại vương.

Cây duối-cây cổ thụ hơn 700 tuổi đã gắn bó với biết bao thế hệ dân làng Thượng Lạp, là nơi che nắng, che mưa cho người dân mỗi lúc đi làm đồng về. Trong tâm thức của mỗi người dân Thượng Lạp luôn hiện hữu bóng dáng của cây duối cổ thụ.

Ông Nguyễn Duy Nga, người dân thôn Thượng Lạp cho biết: "Khi còn nhỏ, đám trẻ con chúng tôi ra đồng chăn trâu, cắt cỏ thường ngồi dưới gốc cây duối chơi ô ăn quan, nhảy dây. Ngay cả các cụ cao tuổi nhất làng cũng không biết cây duối có từ khi nào, song đối với mỗi người dân quê tôi, cây duối như “báu vật” của làng, mọi người đều có ý thức chăm sóc, bảo vệ để cây sinh trưởng, phát triển tốt".

Mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây duối trong khuôn viên miếu Đống Vịnh là Cây di sản Việt Nam. Giáo sư, tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận xét: "Dù có niên đại hàng trăm năm, song cây duối vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Cây mang vẻ đẹp huyền bí, cổ kính, tạo cảnh quan độc đáo, ấn tượng cho vùng đất Thượng Lạp.

Cây duối được công nhận là cây di sản góp phần bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc trồng và bảo vệ cây xanh, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam".

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Bùi Văn Hưng cho biết: "Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi khi cây duối được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Cây duối là biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Thượng Lạp trong kháng chiến và thời bình. Cây duối cùng miếu thờ là minh chứng ghi lại các sự kiện lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng.

UBND xã sẽ ban hành quyết định thành lập Ban quản lý cây di sản để cùng phối hợp với Tiểu Ban quản lý di tích thôn Thượng Lạp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị của cây di sản; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc cải tạo cảnh quan, bảo vệ cây di sản và môi trường trên địa bàn xã".

Bạch Nga (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem