Làm việc với Hội Nông dân Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm nêu 7 nhiệm vụ
Làm việc với Hội Nông dân Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm
Đức Thịnh
Thứ tư, ngày 23/10/2024 07:00 AM (GMT+7)
Chiều ngày 22/10, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc về công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Phan – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội; Nguyễn Thị Vân Anh – Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Hội; đại diện các ban chuyên môn cơ quan Trung ương Hội.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Đỗ Thị Ngọc Hân – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc; Bùi Thị Hương Giang – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, Phùng Đắc Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc; Triệu Thống – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Trưởng, phó các Ban, đơn vị Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc; các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố.
Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc về công tác Hội và phong trào nông dân.
Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân Vĩnh Phúc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo tóm tắt kết quả nổi bật công tác Hội và phong trào nông dân 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 với Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm và đoàn công tác Trung ương Hội.
Ông Phùng Đắc Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vĩnh Phúc là tỉnh có địa hình phong phú, đa dạng gồm đồng bằng, trung du và miền núi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 55.400 ha (chiếm gần 75 % diện tích tự nhiên), có nhiều vùng sinh thái, đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện; sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Chín tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn, ngập úng trên diện rộng, song sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn được duy trì ổn định. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,16% so với cùng kỳ, đóng góp 0,13 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,09%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm. Ngành chăn nuôi tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong ngành nông nghiệp.
Hiện nay, tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh là 154.137 người, số hội viên nông dân mới kết nạp 1.642 người (đạt 82% chỉ tiêu giao). Tổng số chi hội nông dân toàn tỉnh là 1.174 chi hội; 100% số chi hội có quỹ, mức quỹ bình quân đạt 23 triệu đồng/chi hội được quản lý, sử dụng quỹ đúng quy định.
Về nhiệm vụ phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phong trào "nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có 76.940 hộ hội viên (chiếm 57%) đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Thực hiện Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể. 10 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 3 tổ hợp tác, 1 chi hội nông dân nghề nghiệp và 6 tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 43 Hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 647 hội viên nông dân tham gia; có 161 thành viên được vay vốn với tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng; 13 tổ hợp tác với 171 thành viên và hoạt động theo quy chế riêng; 11 chi hội nghề nghiệp với 301 thành viên tham gia với các ngành nghề khác nhau.
10 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể về vốn: Hiện tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 50,30 tỷ đồng tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ vốn vay là 1.523 tỷ đồng cho 10.920 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 1.673 tỷ đồng cho 11.295 hộ vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân
Về hỗ trợ giống, vật tư phân bón: các cấp Hội đẩy mạnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng 350 tấn phân bón trả chậm, 60 tấn giống giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Về hỗ trợ tiếp cận khoa học, công nghệ: Các cấp Hội chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức 86 hội nghị tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 8.000 cán bộ, hội viên nông dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Về tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý: các cấp Hội phối hợp ngành Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 10.183 lượt cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh; tổ chức Hội thi cấp tỉnh "Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình".
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình "Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật" với 50 mô hình đã được công nhận. Đồng thời, duy trì, triển khai "Đưa sản phẩm nông sản của nông dân lên sàn giao dịch điện tử Postmart". Hội Nông dân đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tiếp tục duy trì 403 sản phẩm đã đưa lên sàn giao dịch điện tử Buudien.vn năm 2022 và 2023; tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho trên 1.000 hội viên nông dân trong tỉnh. Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn đưa 150 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn (đạt 100% so với chỉ tiêu giao).
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng xong bước 1 Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các kế hoạch, chương trình, Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 69 của Chính phủ.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 61 ngày 20/02/2024 về thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị. Kế hoạch đưa ra 8 mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng năm, trong đó tính đến 20/10/2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chú trọng bồi dưỡng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giám đốc HTX
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.
Về những tồn tại, khó khăn, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Số lượng hội viên đang có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tỷ lệ hội viên lớn tuổi đang có xu hướng tăng.
Một số nơi công tác quản lý hội viên còn lỏng lẻo nhất là những hội viên đi làm ăn xa, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt chưa cao và thiếu sự gắn bó với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của hội viên, nông dân.
Công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa rõ nét, nhất là hoạt động giám sát ở một số cơ sở còn lúng túng.
Tại buổi làm việc, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất, kiến nghị 7 với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Đó là: Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương để Hội Nông dân xây dựng Đề án khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công tại Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh. Đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương về xây dựng Đề án hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh đến năm 2030. Hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình hành động số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về triển khai Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị.
Đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc báo cáo về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.
Đồng thời, đề nghị Trung ương Hội xây dựng các chương trình, đề án, dự án kèm theo nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ, phân bổ cụ thể (các chương trình, đề án, dự án thực hiện theo hệ thống Hội), để Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: hỗ trợ đào tạo dạy nghề; giáo dục, bồi dưỡng, huấn luyện, xây dựng hình mẫu "người nông dân mới"; củng cố hệ thống tổ chức Hội; các mô hình sản xuất, bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đề nghị các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cần rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng chí Bùi Thị Thơm gợi mở Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cần bám sát, cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 69 của Chính phủ, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; phối hợp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề án thực hiện các Nghị quyết quan trọng này, qua đó tạo nguồn lực để tổ chức Hội Nông dân hoạt động hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Để thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để vừa đảm bảo thiết thực, vừa phù hợp với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hoá đang phát triển mạnh ở địa phương; thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, câu lạc bộ và phát triển hội viên, hội viên danh dự.
"Các cấp Hội tiếp tục phát động thực hiện tốt các phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, Hội cần quan tâm hỗ trợ, bồi dưỡng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các Giám đốc HTX thành những doanh nhân nông nghiệp. Đây là những "đầu tàu" dẫn dắt phát triển kinh tế nông nghiệp" – đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Cùng với đó, Hội Nông dân phối hợp các sở, ban ngành, doanh nghiệp quan tâm, tổ chức hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân.
Đồng chí Bùi Thị Thơm cũng đề nghị các cấp Hội trong tỉnh Vĩnh Phúc cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, vai trò làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nông dân. "Trong quá trình đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, các cấp Hội Nông dân cần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân" - đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.