“Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, hãy nên coi mỗi đồng bào là một nhà khoa học vì không ai hiểu văn hóa của dân tộc họ bằng chính họ”. Đó là ý kiến ông Lò Giàng Páo (ảnh) - Viện phó Viện Dân tộc (UBDT) đưa ra trong cuộc trao đổi với PV Báo NTNN xung quanh vấn đề bảo tồn văn hóa các dân tộc rất ít người.
Theo ông Lò Giàng Páo, những năm gần đây các chương trình chính sách vẫn chủ yếu tập trung vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, mà ít chú ý đến việc phát triển văn hóa của từng dân tộc cụ thể. Các chính sách của Nhà nước thường chỉ chú ý ở việc xây dựng các quy chế nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa…
Các chính sách về văn hóa DTTS từ trước đến nay đều chung chung, mang tính giai đoạn chứ chưa có tính chiến lược lâu dài. Chưa kể sự áp đặt của những người làm chính sách, chưa đặt mình vào vị trí của người hưởng thụ. “Chẳng hạn như xây dựng nhà cộng đồng cho người dân, nhưng lại xây ở trên đồi không có ai lui tới thì cũng chẳng thể bắt dân người ta lên đó sinh hoạt được”, ông Páo nêu ví dụ.
Lễ hội của người Brâu.Ảnh: I.T
Xung quanh việc, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, bảo tồn văn hóa phải do chính các tộc người thực hiện chứ không thể chờ người ngoài cuộc nghĩ hộ, ông Páo cho rằng: Muốn khôi phục được bản sắc văn hoá của một tộc người trước tiên phải khôi phục từ tâm lý. Muốn bảo tồn ngôn ngữ thì trước hết chính người dân tộc đó phải có ý thức sử dụng và truyền lại ngôn ngữ cho con cháu mình.
Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng tiếng nói dân tộc mình hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ của chính họ được. Do vậy, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc (VHDT), từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc VHDT một cách chủ động, tích cực và tự giác.
Quan điểm
Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng tiếng nói dân tộc mình hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ của chính họ được”.
Trên cơ sở các bài học, kinh nghiệm thực tế trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, ông Páo đề xuất cần phải có chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá riêng cho đồng bào thuộc các dân tộc rất ít người này, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, từ đó, nâng cao trình độ dân trí. Khi xây dựng chính sách kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS phải có sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Tiếp theo, phải tiến hành ngay việc khôi phục lại tiếng nói, sưu tầm và phục dựng lại phong tục, tập quán, lễ hội của các tộc ít người. Thậm chí phải có chế tài để bắt buộc người dân tộc đó sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt, trong giao tiếp hàng ngày. Phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ không gian văn hóa, không gian sống của đồng bào. Đây là một trong những nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bên vững các DTTS nói chung và các dân tộc rất ít người nói riêng.
“Hiện nay, UBDT đang xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016-2025, trong đó sẽ tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất; giáo dục; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc,... Đây là một lộ trình dài hơi, vì vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành chức năng chứ không riêng gì UBDT. Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, hãy nên coi mỗi đồng bào là một “nhà khoa học” vì không ai hiểu văn hóa của dân tộc họ bằng chính họ”, ông Páo chia sẻ thông tin.
Ông Hoàng Đức Hậu – Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc: Nhà nước không thể làm thay
Hiện nay, Bộ VHTTDL đang xây dựng đề án, dự án nghiên cứu về bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc của từng dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu (nghiên cứu cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, phối hợp liên ngành, lộ trình, kế hoạch cụ thể…) có sự phối hợp của các địa phương và đại diện 5 DTTS có số dân dưới 1.000 người. Trong đó sẽ huy động nguồn lực, phát huy vai trò của cộng đồng, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, bảo tồn từ cộng đồng là chính, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, chứ không làm thay.
PGS-TS Lê Ngọc Thắng - Giảng viên Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn:Nâng cao chất lượng dân số để tăng sức đề kháng
Cộng đồng của các dân tộc có số dân ít thường cư trú nhỏ lẻ, xa cách các cộng đồng dân tộc khác nên thường xảy ra các mối quan hệ hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, dẫn tới chất lượng dân số không đảm bảo. Phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần nhận thức, đầu tư trọng điểm, trọng tâm hơn cho vấn đề gia tăng số lượng và chất lượng dân số. Chủ thể văn hóa có khỏe mạnh và được gia tăng (nếu không nói là đang bị suy giảm) thì các vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng mới được thực hiện một cách bền vững.
San Nguyễn (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.