Báo động 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam quên tiếng mẹ đẻ: Học đâu, quên đấy

Lê San Thứ sáu, ngày 22/05/2015 08:40 AM (GMT+7)
Đã có nhiều dự án được thực hiện để bảo tồn bản sắc văn hoá của 5 dân tộc rất ít người: Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu, nhưng đến nay tốc độ bảo tồn vẫn chưa theo kịp với tốc độ mai một. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa các tộc người này đang cấp thiết hơn bao giờ hết. 
Bình luận 0

Học rồi lại quên

Tính từ năm 2006 đến nay đã có 6 đợt học tiếng Ơ Đu bằng hình thức truyền miệng được mở ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hơn 300 người. Mỗi đợt gồm 8 buổi, với kinh phí 2 triệu đồng/đợt.

Lớp học do chính những người già hiểu biết đến giảng dạy. Các từ ngữ do các cụ nhớ lại được biên soạn thành tài liệu để phục vụ việc học. Cụ Lo Hồng Phong, một già làng biết tiếng Ơ Đu (nay đã mất), còn được sang bản Khạp, huyện Mương Khun nước bạn Lào, nơi có những người Ơ Đu sinh sống để so sánh đối chiếu giáo trình với thực tế. Nhưng sau khi tổng kết các khoá học này, chỉ có khoảng 40% học viên biết chữ nhưng lại không sử dụng được.

img
Con em đồng bào Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã được học trong những ngôi trường khang trang.  Ảnh: S.L 
Hiện địa phương mới chỉ sưu tầm được khoảng 200 từ do những người già ghi chép lại rất rời rạc, thiếu sự hoàn chỉnh, nên rất khó để giảng dạy, mỗi đợt giảng dạy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bởi vậy vốn từ để người tham gia sau khi hoàn thành khóa học không đủ để nhớ và sử dụng hàng ngày, học rồi lâu dần không sử dụng lại quên mất.

Chưa đầu tư đồng bộ

Quan điểm

Ông Vương Đình Lập - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An
 Địa phương đã rất nỗ lực trong việc gìn giữ và khôi phục bản sắc văn hoá của người Ơ Đu nhưng hiệu quả còn chưa cao. Để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu, cũng cần sự đầu tư về tài chính để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, biên soạn và in thành giáo trình, tài liệu tham khảo giảng dạy tiếng Ơ Đu cho đồng bào”. 
Đối với 5 dân tộc dưới 1.000 người hiện nay, Nhà nước đã có hệ thống các chính sách riêng dành cho từng dân tộc để xóa đói giảm nghèo, trong đó có các chính sách: Hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu, hỗ trợ phát triển người Si La, hỗ trợ phát triển người Pu Péo, hỗ trợ phát triển người Brâu, Rơ Măm. Nhưng hầu hết các chính sách này thường tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất mà thiếu lồng ghép với các đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc. Và các chính sách, đề án về văn hóa, văn hoá các DTTS nói chung vẫn thường đứng biệt lập, ít gắn kết với các chương trình, đề án phát triển về kinh tế, bảo vệ môi trường... nên hiệu quả chưa cao.

 

Năm 2005, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Pu Péo” theo Quyết định số 238/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, với tổng số vốn gần 10 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, số vốn để bảo tồn văn hoá, chủ yếu là hỗ trợ phục dựng lễ hội chỉ ở mức 119 triệu đồng/7 thôn trong vòng 5 năm. Một con số khá khiêm tốn, nếu chia đều cho 7 thôn, mỗi thôn chỉ có 17 triệu đồng để tổ chức lễ hội, mà thực tế thì tổ chức một lễ hội của người Pu Péo phải cần đến cả trăm triệu đồng. Với chừng ấy tiền thì không thể làm gì được. Mà người dân thì không có mấy điều kiện để đóng góp khi đời sống còn khó khăn.

Người Si La ở Điện Biên sống tập trung ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, cả thảy có 47 hộ, với 206 khẩu. Ông Lò Văn Hùng – Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé cho hay: Trước đây địa phương cũng có Dự án “Bảo tồn, phát triển dân tộc Si La”, nhưng chủ yếu là đầu tư vào an sinh xã hội, giúp người Si La thoát khỏi đói nghèo. Còn đầu tư bảo tồn văn hoá hầu như chẳng có mấy nên việc mai một bản sắc là điều không thể tránh khỏi. Cùng với việc phát triển kinh tế, khả năng bị đồng hoá ngày một cao, chỉ còn rất ít phụ nữ là mặc trang phục truyền thống, còn đàn ông thì đã ăn mặc như người Kinh. Các phong tục tập quán, dân ca cũng chỉ người già còn nhớ ít nhiều”.

 Một tín hiệu khả quan trong công tác bảo tồn văn hóa người Ơ Đu là hiện vẫn còn khoảng 2 vạn người Ơ Đu có nguồn gốc ở huyện Tương Dương, đang sinh sống ở bản Khạp (Lào), vẫn còn giữ được trang phục truyền thống và ngôn ngữ Ơ Đu. Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã cùng với địa phương đưa đại diện người Ơ Đu ở Tương Dương sang thăm, giao lưu với bà con tộc người   Ơ Đu ở bản Khạp.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem