Báo động: 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam đang quên dần tiếng mẹ đẻ

Lê San Thứ năm, ngày 21/05/2015 08:51 AM (GMT+7)
LTS: 5 dân tộc rất ít người (có số dân dưới 1.000 người) của Việt Nam là Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Ơ Đu và Brâu đang mất dần bản sắc văn hóa khi không còn tiếng nói, chữ viết, trang phục, các phong tục văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các tộc người này, nhưng tốc độ bảo tồn vẫn không theo kịp sự mai một. 
Bình luận 0

Không nói được tiếng dân tộc mình, rồi văn hóa cũng bị đồng hoá với các dân tộc khác là thực trạng chung của 5 dân tộc rất ít người nói trên.

Chỉ vài người biết tiếng dân tộc mình

Người Ơ Đu, là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam, hiện chỉ còn 91 hộ, 432 khẩu, sinh sống tập trung duy nhất tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cùng sống xen lẫn giữa cộng đồng người Thái, Kinh, và Khơ Mú, nên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người Ơ Đu sử dụng 3 thứ tiếng này để giao tiếp chứ không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc mình.

Số lượng người biết tiếng Ơ Đu ở Văng Môn cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người già (đều trên 70, 80 tuổi). Trang phục cũng mặc giống như người Thái, người Kinh, chỉ có thể phân biệt được người Ơ Đu qua đặc trưng là mang họ Lo.

img
Đời sống của người Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn còn nhiều khó khăn.  Ảnh: L.S

Trưởng bản Lo Xuân Tình cảm thán: “Cuộc sống người Ơ Đu đã khá hơn ngày xưa nhiều, nhưng bản sắc của dân tộc mình lại chẳng còn lại là bao. Ngày trước còn được 10 cụ biết tiếng Ơ Đu, rồi các cụ lần lượt qua đời hiện còn lại được 5 người. Các cụ lại cao tuổi rồi nên có lúc nhớ lúc quên. Cộng với lớp trẻ giờ cũng chẳng mặn mà, có học xong cũng không sử dụng nên cứ mai một dần”.

Trưởng bản Tình cũng là người giữ chiếc áo truyền thống duy nhất còn sót lại của bản Văng Môn. Mỗi khi đi hội thảo, đi sự kiện, ông đều mặc chiếc áo đó để cho mọi người biết dân tộc mình cũng có trang phục riêng. Nhưng theo người già trong bản, chiếc áo ấy là áo thầy cúng, còn người bình thường chỉ mặc áo dệt bằng bông thô. Còn những người trẻ ở Văng Môn chẳng ai biết trang phục truyền thống của dân tộc mình nó như thế nào. Ngay cả các bài văn cúng cổ nhất của người Ơ Đu dùng trong các dịp lễ cũng đã sử dụng tiếng Thái trên 70%.

Không bảo tồn nhanh sẽ mất

Là một tộc người có nền văn hoá tương đối phong phú với các lễ hội, phong tục, dân ca, truyện cổ được thể hiện qua hệ thống chữ viết và tiếng nói, nhưng bản sắc văn hoá của người Pu Péo ở Hà Giang cũng không còn lại bao nhiêu. Số người Pu Péo biết rõ về bản sắc văn hoá dân tộc mình cũng chỉ còn số lượng rất ít.

Vào cuối tháng 12.2014 vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức mở lớp truyền dạy dân ca, ca vũ, dân nhạc cho người Pu Péo ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Người Pu Péo mừng vui không kể xiết. Ông Củng Phù Vần ở Phố Là, là một trong những người còn lưu giữ được nhiều bài hát, điệu múa cổ của người Pu Péo, bảo: “Chúng tôi là người Pu Péo, nhưng chẳng có mấy người biết viết và nói tiếng Pu Péo, đại đa số đều dùng tiếng Mông để giao tiếp. Có dùng tiếng Pu Péo chăng cũng chỉ trong dịp lễ tết, cúng bái.

Hiếm khi có cơ hội tập hợp đầy đủ người như thế này, ai cũng nhiệt tình, nhưng hiện cũng chỉ sưu tầm được khoảng hơn 30 điệu hát, bài múa cổ. Có những người đã hơn 40 tuổi rồi những khi nghe xong một điệu hát cổ cũng phải thừa nhận chưa được nghe bao giờ. Các lễ hội của người Pu Péo cũng chỉ còn lại trong một vài tài liệu ít ỏi”.

GS-TS Vương Xuân Tình - Viện trưởng Viện Dân tộc học:  Xác định thứ tự ưu tiên để bảo tồn 

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, cần nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa của họ một cách kỹ lưỡng hơn nữa. Việc này không chỉ do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm mà còn có sự tham gia trực tiếp và tích cực của cộng đồng các dân tộc. Sau nghiên cứu cần tiến hành xác định thứ tự ưu tiên để bảo tồn, đầu tiên và quan trọng nhất chính là ngôn ngữ, sau đó là trang phục, nhà cửa, dân ca, dân vũ, lễ hội.

5 dân tộc ít người Si La, Brâu, Ơ Đu, Pu Péo, Rơ Măm  hầu như chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Văn hoá dân tộc chỉ được lưu giữ, phát triển qua truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa và có xu hướng bị đồng hoá.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem