Mưa lũ gây ngập sâu các tuyến đường thuộc huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, TP.Quy Nhơn, thị xã An Nhơn… (tỉnh Bình Định) khiến nhiều người dân, công nhân nơi đây lâm cảnh khốn đốn. Họ phải chờ đợi, mất nhiều thời gian để lên thùng xe ba gác, xe tải băng qua những đoạn ngập sâu để đi lại mưu sinh.
Từ sáng sớm, ông Hà Trịnh Vương (phường Thị Nại, TP.Quy Nhơn) mặc áo mưa kỹ càng, lái chiếc xe ba gác ra đoạn đường ngập trên đường Hùng Vương để mưu sinh.
Ông Vương cho biết: “Với xe ba gác này, hàng ngày tôi vận chuyển đồ đạc thuê, ai gọi thì tôi đi. Mỗi năm, cứ dịp mưa lũ thì tranh thủ mang xe ra đoạn đường ngập, nơi xe máy không thể qua được vừa để mưu sinh, vừa để giúp người dân”.
Xe ba bánh chở người, xe máy vượt qua những đoạn đường ngập.
Theo ông Vương, mỗi xe máy được chở qua đoạn đường ngập ông lấy khoảng 20.000 đồng/lượt, còn người đi trên xe thì miễn phí.
Ông Vương tất bật chở người dân vượt vùng nước ngập.
Theo người dân địa phương, lo sợ nguy hiểm do nước ngập đường nên họ phải chịu cảnh chen chúc đứng, ngồi trên các xe máy nhờ xe ba gác, xe tải vượt quãng đường ngắn.
“Nếu di chuyển qua đoạn đường bị ngập, chắc chắn xe máy sẽ bẩn và có nguy cơ hư hỏng, hơn nữa lại không an toàn nên chúng tôi đành chịu mất tiền cho xe ba gác chở”, chị Trần Thị Ngân (38 tuổi, trú TP.Quy Nhơn) chia sẻ.
Hai ngày qua, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) liên tục có mưa lớn dữ dội, nước tại sông Lại Giang dâng cao, trên mức báo động II, nhiều xã trong huyện bị cô lập, sạt lở. Tại thị trấn Bồng Sơn, cuộc sống người dân gần như đảo lộn, nước lên nhanh nhiều người không kịp trở tay, hầu hết đồ đạc trong nhà đều chìm trong biển nước.
Bà Nguyễn Thị Nga (thị trấn Bồng Sơn) cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh khiến đồ đạc, nhà cửa không kịp dọn thứ gì hết. Mọi thứ trong nhà đều bị ngập, tủ lạnh, máy giặt, ti vi gì vô nước hết trơn. Cứ đà này thì các vật dụng trong nhà sẽ bị hỏng chứ chẳng sửa chữa được gì”.
Nhiều nhà dân ở Bình Định bị nước "bao vây".
Toàn thị trấn có trên 1.200 ngôi nhà bị ngập nước, có nguy cơ gây hỏng hàng hóa của 434 hộ tiểu thương chợ Bồng Sơn. Để tránh thiệt hại, nhiều lực lượng chức năng thị trấn đã xuống hỗ trợ bà con tiểu thương chợ di dời hàng hóa trước khi nước lên. Trong ngày 10.12, lãnh đạo thị trấn cùng các lực lượng thanh niên xung kích, dân quân cũng đến hỗ trợ mỳ tôm, nước uống và di dời người, tài sản, gia súc, gia cầm… cho người dân vùng bị ngập nặng.
Đội xe ba bánh túc trực mưu sinh trên tuyến đường ngập nước.
“Tôi sống ở đây hai mươi mấy năm rồi, chưa năm nào mà lụt lớn như vậy, bắt đầu chiều hôm qua nước lên nhưng chỉ ở mức cầm chừng. Đến sáng nay, nước lên rất nhanh, riêng đường Trần Hưng Đạo hồi giờ không thấy ngập mà năm nay ngập nước nặng, các khối khác ở thị trấn hầu như cũng đều bị ngập nước”, ông Đinh Hữu Tâm (ở thị trấn Bồng Sơn) nói.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Huyện đã huy động lực lượng công an, huyện đội chuẩn bị ca nô để kịp thời ứng phó giúp dân. Các địa phương phải chủ động cử dân quân, cán bộ chốt chặn tại các đường bị chia cắt không cho người dân qua lại, triển khai phương án 4 tại chỗ để giữ an toàn cho người dân vùng lũ”.
Nhiều tuyến đường dẫn vào khu dân cư bị ngập
Hơn 2.000 nhà dân vẫn còn ngập trong ‘biển lũ’
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, đã có gần 5.000 nhà dân ở tỉnh này đã bị ngập, 5 nhà sập và đến chiều tối nay vẫn còn hơn 2.000 nhà bị ngập. Mưa lũ khiến 3,26km đường giao thông bị sạt lở, 3 cầu bị hỏng, riêng 3 điểm trên tuyến đường sắt bị sạt lở đã được thông tuyến trở lúc 11h cùng ngày.
Về thủy lợi có 1.85km đê sông, suối bị sạt lở, 28,4km kênh mương bị sạt lở, 49 đập bổi bị cuốn trôi và 1 đập kiên cố bị hỏng. Đặc biệt, 6.828ha lúa mới gieo sạ, 370 ha hoa màu của nông dân đã bị ngập, 46.130 con gia cầm bị chết. Trong khi đó, có 238.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Hiện, lũ trên các sông đang xuống chậm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.