Xe bus Hà Nội: Cụ già khó trèo, trẻ em khó chen

Thứ bảy, ngày 29/10/2011 16:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cách đây 4 năm, hình ảnh ông bà già thảnh thơi bắt xe bus ngắm Bát Tràng, nhàn nhã đi thắp hương ở Đền Sóc tràn ngập trên báo đài. Nhưng giờ, nhiều người già đã không còn chỗ trên xe bus...
Bình luận 0

Khó trèo, khó chặn

Đứng ở trạm xe bus Long Biên từ 10 giờ mà mãi tận 11 giờ, ông Nguyễn Văn Hưng ở Thuận Thành (Bắc Ninh) vẫn chưa bắt được xe bus về quê. Biết tôi là đồng hương, ông Hưng nhờ vả: "Anh tinh mắt thấy xe số 204 thì bảo giúp tôi với nhé. Ở đây nhiều xe quá, vả lại xe bus như ở dưới đất chui lên, đỗ xịch một cái rồi lại phóng vụt đi. Thanh niên họ trèo lên hết, tôi chậm chân nên chịu”.

img
Xe bus đang tồn tại nhiều hình ảnh xấu.

Theo lời ông Hưng, trước kia xe 204 còn đỗ tại bến Lương Yên thì lên xe về Thuận Thành còn dễ, nay xe chỉ đón khách ở trạm trung chuyển Long Biên nên về quê khó khăn quá. Ông ra đây đứng đón, đến mỏi cả chân mà vẫn chưa lên xe được. “Kiểu này tôi mà về được nhà thì đến chiều”.

Chia sẻ về nỗi vất vả của người già khi phải chen nhau trên xe bus, bà Nguyễn Thị Tơ (67 tuổi) quê Thái Bình, mới lên thăm gia đình con trai ở Cầu Giấy, cho biết:

"Tôi đi ô tô khách từ Thái Bình cả trăm cây số lên đến bến xe Gia Lâm, không thấy vất vả bằng đi xe bus từ bến xe Gia Lâm về nhà con trai ở Cầu Giấy.Nghĩ con cái bận làm, nên tôi không bảo chúng nó ra đón. Đến bến xe, thấy xe 34 về qua Cầu Giấy là tôi lên luôn. Lúc mới lên còn vắng nhưng lúc xuống thì khiếp quá. Tôi ngồi ở cuối xe mà mãi mới chen được ra đến cửa, đến điểm xuống mải chen, tuột mất cả dép mà không quay lại lấy được. Tưởng đi xe bus cho rẻ, ai ngờ...".

Chuyện người già chậm chân, chậm tay, khi lên xuống xe bus gặp nạn không còn hiếm nữa. Còn nhớ, vào khoảng 7 giờ 30 ngày 14.4.2011, tại khu vực điểm đỗ dừng đón trả khách xe bus trước cổng Trường ĐH Lao động xã hội (phố Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội), ông Trần Văn Ứng (60 tuổi) trong lúc bước chân lên xe bus tuyến 50, mang BKS: 29Z-0819 đã bị ngã xuống đường và phải nhập viện cấp cứu. Theo lời kể của các nhân chứng, khi ông Ứng đang bước chân lên xe thì tài xế phóng xe đi khiến ông ngã xuống đường.

Trẻ em khó chen

Nói về việc đi xe bus thì anh Bùi Quang Dũng ở Sóc Sơn mới đưa vợ con xuống tham quan Vườn thú Hà Nội, cũng được một phen hú hồn. Anh Dũng kể: "Vợ chồng tôi và đứa con 2 tuổi buổi sáng hôm đó từ Sóc Sơn đi xuống Long Biên thì đơn giản, nhưng từ Long Biên về thì cười ra nước mắt".

Tôi thừa nhận với hơn 5.000 nhân viên hoạt động trên 900 xe bus và mỗi ngày vận chuyển hơn một triệu lượt người thì việc va chạm với khách là điều khó tránh khỏi. Tình trạng xe bus đi lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu thường xảy ra.

Anh Dũng kể: Vợ chồng tôi đã thống nhất tôi cầm đồ, vợ bế con lúc lên xe vì cháu chỉ theo mẹ. Thấy cửa xe mở ra, tôi lao lên ngay, thực tâm lên để xí chỗ cho vợ và con ngồi. Tôi cứ nghĩ 2 mẹ con nó áp sát mình, nhưng khi xe chạy, ngoảnh lại chẳng thấy vợ con đâu, thế là tôi đập cửa để lái xe cho xuống. Quay lại bến thấy 2 mẹ con đang mếu máo, vợ tôi giận mắng cho tới tấp. Bị vợ mắng đúng quá, tôi chỉ còn biết chống chế là tại xe bus chạy nhanh mà lại đông.

Chiều nào bà Trinh ở Kim Mã, cũng đi đón cậu cháu trai học lớp 4 ở Cầu Giấy. Bà Trinh kể: Do con dâu tôi làm ở dưới Cầu Giấy nên buổi sáng đưa cháu đi được, nhưng buổi chiều chị ấy hay về muộn, nên cứ 3 giờ là tôi phải bắt xe bus đi đón cháu, khổ lắm anh ạ.

Sợ nhất là lúc trèo lên xe, có hôm tôi phải trèo ở đằng sau để giữ cháu khỏi bị bật xuống đường, vì xe đông quá mà toàn là thanh niên. Cũng có hôm gặp người tốt họ nhường ghế cho, nhưng đa phần là phải chen chết thôi mới lên được xe. Cứ mỗi buổi đón cháu đi học về, bà cháu tôi lại khổ như đi đánh trận”.

Nói về xe bus thì còn rất nhiều điều bất cập. Chị Thanh Thúy ở ngõ 33 phố Nguyễn Chí Thanh, bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, hiện đang quản lý một cửa hàng hoa ở phố Hai Bà Trưng. Chi Thúy cho biết: Hàng ngày, em phải đi xe lăn điện, những hôm mưa gió rất bất tiện, muốn đi xe bus cho sạch sẽ nhưng chẳng thấy xe có cửa cho người khuyết tật hay cửa ưu tiên, nên muốn cũng chẳng dám đi vì biết chắc chắn mình không thể chen được lên xe bus.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem