Chạy cả ngày thu nhập không đủ nuôi vợ con
Anh N.V.Toàn (37 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Bình) nói: “Thông tin sai lầm từ truyền thông lâu nay, thường thổi phồng mức thu nhập của cánh chạy xe ôm công nghệ là mỗi ngày chạy, thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng. Khiến mọi người tưởng nghề này thu nhập cao lắm, nên dẫn tới chủ trương cần đánh thuế TNCN đối với giới chạy xe ôm công nghệ”.
Trên thực tế, hoàn toàn không phải vậy. Anh Toàn cho biết, từ quê vào TP.HCM kiếm sống, anh Toàn phải thuê nhà ở cho 2 vợ chồng và 1 đứa con, hết 1,5 triệu đồng/tháng. Anh Toàn chạy xe cho hãng Grab.
Trực tiếp mở chiếc điện thoại di động, mở từng sao kê từ công ty gửi, anh Toàn giải thích: “Nhà báo xem đây, trong một tuần, từ ngày 15 - 22/8, chỉ duy nhất có một ngày tôi chạy được 565.000 đồng/ngày, còn lại là 405.000, 230.000, 120.000 đồng/ngày, v.v… Tệ hơn, có ngày vỏn vẹn 92.000 đồng”.
Hàng ngày, có tới hàng trăm lái xe ôm Grab túc trực hành nghề tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ảnh: H.H
Anh Toàn lật thống kê một tuần gần nhất, tổng cộng doanh thu của anh được hơn 1,6 triệu đồng. Công ty trừ đi 331.000 đồng tiền ăn chia tỷ lệ (gọi là tiền app, khoảng 20% của tổng doanh thu). Rốt cuộc, anh Toàn chỉ nhận được khoản hơn 1,32 triệu đồng cho một tuần làm việc. Như vậy, bình quân mỗi ngày chạy xe, anh Toàn thu nhập chưa tới 200.000 đồng/ngày.
“Trong cái khoản tiền gần 200.000 đồng/ngày ấy, bình quân tôi phải chi cho tiền xăng hết 50.000 đồng. Xui xẻo xe hư hỏng, còn tốn kém nữa, còn lại là bao để lo cho gia đình?”, anh Toàn nói.
Thu thuế TNCN xe ôm khó khả thi
Trong khi đó, theo anh L.V Kiểm - một lái xe ôm Grab khác: “Khổ tận cùng chúng tôi mới theo nghề chạy xe ôm công nghệ. Nay, mấy ông bày ra thu thuế thu má, sống sao nổi?”. Anh Kiểm thường xuyên đón khách ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Anh Kiểm cho biết: “Mỗi ngày, tôi chạy xe 12 tiếng liền, từ 7h sáng đến 7h tối. Nói rằng cánh lái xe ôm thu nhập cao, thu nhập ròng trên 100 triệu đồng/năm, để dựa vào đó đánh thuế thu nhập chúng tôi là thiếu sâu sát, không đúng thực tế. Và tôi nói thẳng, sẽ không khả thi nếu thu thuế TNCN cánh xe ôm công nghệ”.
Theo các lái xe Grab, bình quân mỗi ngày họ làm việc 12 giờ, nhưng thu nhập không ổn định. Ảnh: H.H
Theo anh Kiểm, những ngày gần đây có nghe râm ran chuyện Công ty Grab đứng ra, theo ủy quyền của ngành thuế để thu thuế cá nhân các lái xe ôm. Anh Kiểm nói: “Quy định doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, nhưng không cho khấu trừ chi phí xăng nhớt, hao mòn, sửa chữa xe, v.v… là không đúng, không khách quan, là bóc lột người lao động”.
Anh Kiểm cho rằng, với số doanh thu trên, người lao động phải làm việc mửa mật ngày đêm. “Tiền app 20% là 20 triệu nộp cho công ty, tiền xăng phải hết 30 triệu đồng là thấp nhất, còn chưa kể tiền thay thế xích, nhong, sên, lốp mỗi năm một đôi… Số tiền còn lại có dư dả gì, mà đòi thu thuế? Với người chưa có gia đình còn đỡ, nhưng với người có gia đình, thuê nhà trọ, còn thiếu thốn dữ. Liệu rằng thu thuế cá nhân có hợp lý hay không?”, anh Kiểm nói.
Tài xế xe ôm N.H.Thu - lái xe Go Viet thì cho rằng: “Không phủ nhận việc đóng thuế là trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, các sắc thuế, cần phải xem xét kỹ càng, trên cơ sở thực tế đối với từng đối tượng, thành phần nộp thuế. Với giới công chức, viên chức văn phòng, doanh nghiệp có thu nhập cao chẳng hạn, thì việc thu thuế cá nhân là bình thường. Nhưng với giới lái xe công nghệ, họ là lao động bình dân, thu nhập không ổn định, không thể nói đạt ngưỡng thu nhập phải đóng thuế, thì cần phải suy xét, có lộ trình trước khi thực hiện thu thuế”.
Anh Thu cho rằng, việc đánh thuế thu nhập đồng loạt đối với cánh xe ôm công nghệ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hơn 400.000 người. "Có người con cho biết, để né tránh nộp thuế, họ sẳn sàng cắt app, chạy lụi… Và như vậy, tình hình còn phức tạp hơn nhiều", anh Thu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.