Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, pháo 120mm của Abrams dễ dàng tiêu diệt những chiếc tăng T-72. Ngay cả tên lửa chống tăng của Nga hay cối 125mm cũng không thể xuyên thủng lớp giáp Chobham của loại xe tăng này.
Tuy nhiên, từ khi Abrams bắt đầu tham chiến, nó đã dần mất đi danh tiếng “bất khả chiến bại” của mình.
Trong cuộc chiến tại Iraq, không ít chiếc Abrams đã bị bắn hạ bởi những thiết bị nổ tự chế IED, cối RPG hay tên lửa chống tăng AT-14 Kornet của Nga. Những cuộc xung đột tiếp theo tại Yemen và Iraq, hàng chục chiếc Abrams của quân đội Saudi và Iraq cũng bị loại tên lửa này tiêu diệt.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams
Trên thực tế, Abrams chưa từng đối đầu thực sự với một loại tăng hiện đại nào. Nó gần như cũng không có đối thủ trong lớp tăng hạng nặng. Những loại tăng khác như Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh, Leclerc của Pháp hay Merkava 4 của Israel cũng đều được trang bị hỏa lực và cấp độ bảo vệ tương tự, cho dù mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Tuy vậy, chưa loại tăng nào trong số đó từng đối đầu với Abrams. Trong suốt những thập kỷ qua, đối thủ tiềm tàng của Abrams là chiếc T-90 của Nga, loại tăng này đã có cơ hội đối đầu với Abrams song sức mạnh của có lẽ nó chưa thể ngang hàng với xe tăng Mỹ.
Tới thời điểm hiện tại, chiếc T-14 Armata đời mới Nga dường như đã sở hữu loại vũ khí có thể sánh ngang với Abrams.
Trong khi Abrams vẫn xuất hiện với lớp giáp khá mỏng phía hai bên sườn, thì Armata đã khắc phục được nhược điểm đó với sự kết hợp giữa một lớp giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ chủ động Afganit sử dụng radar để phát hiện và tiêu diệt đầu đạn đang bay tới.
Xe tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga
Loại pháo 2A82 125mm mới của T-14 cũng được tăng cường khả năng xuyên thủng, đồng nghĩa lớp giáp phía trước của Abrams sẽ trở nên rất mỏng manh ở cự ly chiến đấu khoảng 1.500m.
Trong khi vẫn còn những tranh cãi về việc loại tăng nào có sức mạnh ưu việt nhất, có thể nhận thấy rõ cả hai đều có khả năng tiêu diệt lẫn nhau. Nhưng điểm quan trọng là Abrams sẽ không còn giữ được vị thế độc tôn như trước kia.
Gói nâng cấp SEP V3
Trong chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq, bao gồm rất nhiều chiến dịch nhỏ được triển khai trên địa bàn đô thị, một gói nâng cấp đặc biệt có tên Tank Urban Survival Kit (TUSK) đã được Mỹ trang bị cho rất nhiều xe tăng nhằm tăng cường khả năng bảo vệ và chiến đấu khi bị tấn công từ nhiều hướng khác nhau.
Những nâng cấp này đã được chuẩn hóa ở những thế hệ Abrams sau đó, bao gồm việc gia cố lớp giáp bảo vệ, trang bị thêm hệ thống vũ khí điều khiển từ xa CROWS, một súng máy với đường kính 50mm cho phép người lính sử dụng một cách an toàn ở bên trong xe tăng, đồng thời bổ sung lớp giáp phản ứng nổ ERA ở những mặt dễ bị tấn công của tháp pháo.
Phiên bản Abrams mới nhất được trang bị gói nâng cấp M1A2 SEP V3. Nhiều tính năng của nó được cải tiến so với phiên bản trước: Hệ thống máy tính được nâng cấp, thiết bị phát điện hỗ trợ đời mới (APU) cho phép Abrams có thể vận hành hệ thống máy móc tinh vi, khi động cơ ngừng hoạt động, nâng cao hiệu suất nhiên liệu của động cơ tuốc bin khí.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams
Bên cạnh việc nâng cấp khả năng phòng vệ, khả năng tấn công của Abrams thế hệ mới cũng được nâng cấp đáng kể, đáng chú ý là việc trang bị thêm hệ thống dữ liệu đạn đa dụng tiên tiến (AMP).
Hệ thống này cho phép nòng pháo chính của Abrams có thể tiêu diệt tên lửa chống tăng của đối phương cũng như phá tường để hỗ trợ bộ binh đột kích.
Hệ thống cảm biến ảnh hồng ngoại (FLIR) cũng được nâng cấp nhằm tăng cường khả năng phát hiện và tăng độ chính xác của nòng pháo chính.
Camera của súng máy điều khiển từ xa cũng được cải tiến rõ rệt.
Nhưng điểm đáng chú ý nhất xuất hiện trên M1A2 SEP V3 đó chính là lớp giáp Uranium nghèo giúp chống chịu tốt hơn với các loại vũ khí chống tăng và thiết bị vô hiệu hóa IED.
Những cải biến quan trọng khác
Bên cạnh gói nâng cấp SEP V3, những cải biến quan trọng khác cũng được áp dụng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của Abrams.
Cải tiến thứ nhất được đưa vào sử dụng từ năm 2015, đó là loại đạn xuyên giáp động năng APFSDS M829A3 - loại đạn mới nhất dành cho pháo M256 120mm của Abram.
M829A4 có sử dụng hợp kim Uranium nén có tỷ trọng lớn, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt giáp phản ứng nổ Relikt. Loại giáp được trang bị trên những thế hệ xe tăng đời mới nhất của Nga, bao gồm cả T-14 Armata.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã quyết định thử nghiệm hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Trophy của Israel trên loại tăng M1A2 trong khi nước này cũng đang nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ của riêng mình.
Sau những cuộc xung đột quân sự gần đây, APS Trophy đã chứng minh được khả năng tiêu diệt được nhiều loại tên lửa chống tăng khác nhau.
Khi quá trình phát triển APS của Mỹ vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu, việc mua sắm và trang bị Trophy chính là lựa chọn tối ưu nhất mà bộ Quốc phòng Mỹ có thể đưa ra lúc này.
Một thiết bị nâng cấp khác có thể dễ dàng lắp đặt khi cần thiết đó là bộ thu cảnh báo laser (LWR).
LWR sẽ thông báo cho người lính điều khiển Abrams, nếu xe tăng này bị phát hiện bởi hệ thống nhận diện và dẫn đường bằng laser của kẻ thù. Điều này giúp lính Mỹ có thêm cơ hội đảo ngược tình thế và thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Phiên bản tương lai
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch phát triển một phiên bản mới nhằm nâng cấp toàn diện Abrams vào năm 2020 – phiên bản M1A3.
Dự án xe tăng Abrams M1A3 của quân đội Mỹ
Những chi tiết vẫn chưa được tiết lộ cụ thể, nhưng có lẽ một trong những ưu tiên hàng đầu đó là việc giảm trọng lượng đang ở mức 70 tấn của Abrams. Rõ ràng trọng lượng lớn như vậy sẽ là một điểm hạn chế không nhỏ trong việc triển khai Abrams trên các chiến trường của quân đội Mỹ.
Những đề xuất hiện nay có thể giảm khoảng 2 tấn trọng lượng xe, đó là giảm trọng lượng nòng pháo, thay thế hệ thống dây dẫn bằng cáp quang. Đồng thời lắp đặt thêm bộ thu cảnh báo LWR. Các cải tiến hiện vẫn được các chuyên gia tiếp tục xem xét.
Mai Đại (Người đưa tin, Bussiness Insider)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.