5 "bảo khí" giúp Mỹ vô hiệu hóa Triều Tiên

Thứ tư, ngày 08/11/2017 20:00 PM (GMT+7)
Khi mà chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra bất kỳ lúc nào, quân đội Mỹ đang nắm giữ 5 "bảo khí" để vô hiệu hóa lực lượng vũ trang Triều Tiên. Một trong số đó có thể giúp liên quân Mỹ - Hàn tiến thẳng vào Bình Nhưỡng trong trường hợp xung đột nổ ra.
Bình luận 0

Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự liên tục ở Hàn Quốc kể từ năm 1945 cho tới nay. Quân đội Mỹ thường trực bố trí tại đây các đơn vị phòng không, pháo binh, không quân và hậu cần. Đó là chưa kể tới một nhóm tác chiến cấp lữ đoàn trang bị thiết giáp hạng nặng thường xuyên được luân chuyển tới từ nước Mỹ lục địa.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ có khả năng phải vận chuyển tới đây nhiều hơn nữa nhân lực và phương tiện để đối phó với các tình huống bất ngờ có thể nảy sinh như các đợt tiến công từ Triều Tiên hay vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo tạp chí The National Interest, Mỹ sẽ cần sử dụng 5 loại vũ khí có ý nghĩa quan trọng nếu xung đột trên bán đảo Triều Tiên thực sự bùng phát.

HỆ THỐNG PHÒNG THỦ TÊN LỬA THAAD

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là hiện có hàng trăm quả như vậy, từ các tên lửa đạn đạo tần ngắn Hwasong 6 và 7, tới tầm trung như Nodong.

img

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)

THAAD đặc biệt có giá trị với sứ mệnh bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự trọng yếu của Hàn Quốc, nhất là các cảng biển và sân bay giữ vai trò thiết yếu đối với việc tăng cường các lực lượng Mỹ tại đây.

Mỹ hiện đang vận hành 1 trong số 6 tổ hợp THAAD với tổng cộng 48 quả tên lửa ở Hàn Quốc cùng radar phòng thủ tên lửa đạn đạo AN/TPY-2. Nếu chiến tranh xảy ra, rất có thể Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều tổ hợp THAAD nữa trên khắp châu Á, gồm cả các địa điểm bao phủ còn thiếu ở Hàn Quốc như thủ đô Seoul.

TÊN LỬA PATRIOT

Ban đầu được phát triển dùng để bắn hạ máy bay, hệ thống tên lửa phòng không Patriot đã được tách ra làm 2 loại: Một để bắn hạ các mối đe dọa thông thường trên không và một để đánh chặn các đầu đạn tên lửa đạn đạo. Hai vũ khí này khi kết hợp lại có thể bảo vệ gần như mọi mối đe dọa trên không, kể cả máy bay không người lái.

Patriot PAC-2 là phiên bản quen thuộc hơn trong dòng tên lửa Patriot. PAC-2 được thiết kế để tiêu diệt mọi vật thể bay có cánh, từ máy bay chiến đấu cho tới tên lửa hành trình. Nó cũng có một số khả năng chống lại tên lửa đạn đạo nhưng không phải là công cụ lý tưởng để đối phó với tên lửa Scud hay No Dong. PAC-2 có tầm bắn khoảng 69 km.

Trong khi THAAD đảm trách các mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm cao thì hệ thống Patriot sẽ canh chừng tất cả các khu vực còn lại. Biến thể PAC-3 được thiết kế với mục đích phòng thủ tên lửa đạn đạo, bảo vệ những mục tiêu cụ thể như các thành phố, sân bay, sở chỉ huy và có thể đánh chặn các đầu đạn tên lửa tấn công mà THAAD không ngăn chặn được.

Hệ thống Patriot PAC-3 và Patriot PAC-2

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và PAC-2

Dù có tầm bắn chỉ khoảng 19 km nhưng bệ phóng PAC-3 có thể mang theo tới 16 quả tên lửa nhỏ hơn so với 4 quả của PAC-2.

XE TĂNG M1A2 ABRAMS

Là dòng tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội Mỹ từ những năm 1980, Abrams đã dần được nâng cấp hầu hết các tính năng và trang bị, từ cỡ nòng pháo chính lớn hơn cho tới bộ thiết bị liên lạc kỹ thuật mới hiện đại.

Xe tăng chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams

Mỹ hiện vẫn đang duy trì 3 tiểu đoàn vũ trang hỗn hợp ở Hàn Quốc, luôn trang bị khoảng 84 chiếc M1A2 ở bất cứ thời điểm nào.

Vào thời chiến, xe tăng Abrams sẽ có ích trong việc ngăn chặn lực lượng xe tăng hùng hậu nhưng lỗi thời của Triều Tiên. Lượng xe tăng này có thể áp đảo nhưng sẽ không thể gây ra nhiều thiệt hại so với đối thủ từ Mỹ. Ngoài ra, liên quân Mỹ - Hàn có thể sử dụng Abrams như 1 nắm đấm thép, chọc thủng tuyến phòng ngự của Triều Tiên để tiến thẳng vào Bình Nhưỡng. Hiện, cả lục quân và hải quân Mỹ đều có phiên bản Abrams của riêng mình và sẽ sẵn sàng sử dụng những chiếc xe tăng này trên chiến trường bán đảo Triều Tiên.

XE TRINH SÁT M93A1 NBC

Trong những năm gần đây, Quân đội Mỹ đã giảm bớt coi trọng chiến tranh hóa học, nhưng một cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên có thể khiến công tác phòng hóa trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Ước tính, Triều Tiên hiện có khoảng 2500 đến 5000 tấn chất độc hóa học các loại. Việc sử dụng chất đọc thần kinh VX để ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học để dành ưu thế trên chiến trường.

img

Xe trinh sát M93A1 Fox NBC

Xe trinh sát M93A1 Fox NBC được phát triển dựa trên xe thiết giáp Fuchs của Đức. Fox có tổ lái gồm 3 người, được trang bị đồng hồ cảnh báo hóa học cảm biến từ xa M21, thiết bị phát hiện chất độc hóa học tự động M22, quang phổ kế di động MM1 dùng để phát hiện và xác định chất độc hóa học…

Fox cũng được trang bị máy đo lường và phát hiện phóng xạ AN/VDR-2 để đo phóng xạ hạt nhân có thể phát tán ra từ một vụ nổ hạt nhân hoặc "bom bẩn".

XE BỌC THÉP KHÁNG MÌN (MRAP)

Được phát triển trong những năm 2000 để bảo vệ binh lính Mỹ khỏi mối nguy hiểm xuất phát từ các vật liệu nổ tự chế, MRAP đã từng cứu giúp sinh mạng hàng trăm người ngồi trong đó. Quân đội Mỹ đã mua 24.000 chiếc cho các nhiệm vụ ở Afghanistan và Iraq.

Nếu chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên, MRAP có thể sẽ được sử dụng lại. Trong khi các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc có thể chiến thắng Triều Tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào, thì vẫn có khả năng họ sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tranh du kích lâu dài.

Mỹ và Hàn Quốc sẽ cần tới MRAP để di chuyển trên những địa bàn đồi núi gập ghềnh của Triều Tiên, đối phó với các cuộc đột kích bất ngờ và dùng để tháp tùng các đoàn xe tiếp viện.

img

Xe bọc thép kháng mìn MRAP

Mai Đại (The National Interest)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem