Người xưa có câu “Ngọc bất trác, bất thành khi” có nghĩa là viên ngọc, đá quý nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì nó không thể hiện được hết vẻ đẹp và giá trị của nó. Vậy nên, công việc chế tác đá quý rất cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay người thợ.
Nhìn những viên ngọc, đá quý giá trị, long lanh, sáng bóng, chẳng ai có thể nghĩ chúng từng là những viên đá bình thường, xấu xí, góc cạnh. Để trở thành những món trang sức giá trị, chúng phải trải qua sự mài giũa, đẽo gọt của bàn tay con người. Còn nếu không trải qua quá trình đó, chúng vẫn chỉ là những viên đá bình thường, xấu xí, góc cạnh, mãi "ngủ" sâu trong đất.
Phải trải qua sự tỉ mỉ, khéo léo của bàn tay con người thì những viên ruby, saphia nằm sâu trong đất mới tỏa sáng, trở nên giá trị hơn.
Từ những năm đầu thập niên 90, vùng đất Lục Yên (Yên Bái) trở nên sôi động bởi “cơn sốt” đá đỏ. Hàng nghìn người từ khắp nơi kéo đến với khát vọng đổi đời mang tên đá quý. Cũng chính từ đây mà nghề cắt gọt, mài giũa đá quý cũng bắt đầu xuất hiện.
Ban đầu người ta chỉ cắt gọt một cách đơn giản, cắt những phần đá lấy phần ngọc rồi mài cho nhẵn. Sau 30 năm xuất hiện, đến nay kĩ thuật mài đá khá phong phú, đa dạng. Tại Lục Yên, hiện nay nghề mài đá quý chủ yếu ở hai dạng là mài Camason và cắt Phatset.
Viên đá đang được thợ cắt Phatset.
Anh Đinh Công Đoàn (huyện Lục Yên, Yên Bái) là người đã gắn bó với nghề mài đá quý được 5 năm. Anh cũng là một trong số ít thợ mài đá trên địa bàn huyện Lục Yên chuyên mài đá theo kiểu cắt Phatset hay còn gọi là cắt giác. Đây là kiểu cắt mà đá sẽ được mài theo kiểu góc cạnh, khi hoàn thành đá sẽ có hình kim cương, có các giác viền nón.
Anh Đoàn cho biết: "Kiểu cắt, mài đá này thường dùng cho những viên đá quý có độ trong suốt cao, màu sắc đẹp và cũng có thể loại bỏ tối đa được các phần lỗi, thừa của đá, khiến cho viên đá trở nên hoàn hảo hơn."
Anh Đinh Công Đoàn mải mê bên công việc mài đá.
Công việc cắt, mài đá có 3 công đoạn, trước tiên đá sẽ được mài thô, sử dụng bàn quay có đá mài giáp để loại bỏ lỗi, phần đá thừa cũng như tạo hình khối ban đầu cho viên đá. Bàn quay đá mài ở công đoạn này phải được quay bằng tay để người thợ có thể quan sát, cắt gọt một cách cẩn thận, không làm mất đá.
Công đoạn đầu tiên là mài thô.
Phần chóp nón của đá sẽ được gắn chặt với một đầu một que gỗ hoặc thanh đồng.
Sau khi đá được tạo hình cơ bản, phần chóp nón của đá sẽ được gắn chặt với một đầu một que gỗ hoặc thanh đồng để người thợ có thể mài một cách dễ dàng hơn. Tiếp theo đó, thợ mài đá sẽ chuyển sang bàn quay có đá mài mịn hơn để mài các giác viền cho viên đá quý. Công việc thủ công này đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ, cắt từng cạnh làm sao cho đá vừa được cân mà lại không bị mài mất đá.
Sau khi mài xong, viên đá trở nên sáng, có giá trị hơn.
Anh Nguyễn Thành Hưng là người đã gắn bó với công việc mài đá quý 17 năm. Anh có thể cắt, mài đá ở cả hai loại là cắt Phatset và mài Camason.
Đối với mài Camason có nghĩa là đá được mài tròn và đánh bóng. Ở loại này, việc mài đá cũng phải trải qua 3 giai đoạn chính, giai đoạn thứ nhất là mài thô đá, cắt gọt những phần thừa, lỗi để tạo hình khối tròn, thon ban đầu cho viên đá. Tiếp theo viên đã sẽ được mài mịn và sau cùng là đánh bóng.
Ở cả hai loại cắt Phaset và mài Camason đều có những cái khó riêng, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, kĩ thuật. Chính vì thế nghề mài đá luôn mang lại mức thu nhập hấp dẫn, trung bình mỗi thợ mài đá quý có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.
Đá được đánh bóng.
Lô hàng mài Camason hoàn thiện
Những viên đá quý nằm sâu trong lòng đất, lòng đá thì mãi chỉ là những viên đá bình thường. Nhưng qua bàn tay khéo léo, cẩn thận của những người thợ mài đá, những viên đá trở thành những viên đá quý long lanh, giá trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.