Mở lối gian nan
Là 1 trong 3 bộ phim đoạt giải cao nhất tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc 2011 (cùng với “Chủ tịch tỉnh” và “Những đứa con biệt động Sài Gòn”), “Ám ảnh” là bộ phim truyền hình đầu tiên đề cập đề tài ô nhiễm môi trường và nguồn nước các dòng sông. Tiếc là phim làm công phu, vấn đề nóng bỏng và gắn liền với số phận của một cộng đồng rộng lớn, nhưng giờ chiếu không phù hợp, nên phim đã không tạo được hiệu ứng mạnh trong dư luận. Tuy nhiên, với những khán giả thường xuyên theo dõi “Ám ảnh”, họ thực sự bị cuốn hút và cảm thấy “đã” với bộ phim này.
|
Cảnh phim “Ám ảnh” đang phát sóng trên HTV9. |
Lão nông Trần Văn Huy ở xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Đồng Nai) cho biết: “Nhà tôi mấy đời sống gắn bó với con sông Thị Vải, hồi xưa thì đánh bắt cá tôm, rồi thì nuôi trồng thủy sản. Nông dân tụi tui ơn con sông này như ơn ông bà mình vậy. Thế nên đến khi nhà máy xả thải bẩn ra giết chết dòng sông, tui đau như cắt từng khúc ruột. Giờ ngồi coi phim này thấy họ nói chuyện ở An Hóa mà chẳng khác nào nói chuyện ở ấp tui, người dân cũng khốn khổ chết đứng chết ngồi với dòng sông bị ô nhiễm. Phải là những người sống với dòng sông mới hiểu nỗi đau này”.
Phim bắt đầu từ cú điện thoại gọi cho người yêu của Hà- con gái ông nông dân Lành, khi cha cô phải vào viện cấp cứu. Trần Thanh- người yêu Hà là một phóng viên, vào viện thăm ông Lành, anh đã nhận thấy có nhiều điều bất thường từ vụ ngộ độc thực phẩm của ông và 10 người dân cùng thôn. Anh đã kiên trì theo dõi, điều tra và biết được nguồn nước sông nơi vùng quê người yêu đang ở bị nhiễm độc do nước thải từ Nhà máy Sản xuất bột ngọt One One đóng trên địa bàn này.
Khi bắt tay vào điều tra quá trình xả thải ra sông, Trần Thanh và Hà Thảo- sinh viên ngành môi trường mới tốt nghiệp, đang là cộng tác viên của Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng đang tìm hiểu về hiện trạng ô nhiễm nơi đây đã tìm ra được một chuỗi những sai lầm liên quan đến cả một hệ thống đang âm thầm giết chết dòng sông và môi trường sống của cộng đồng. Những bài báo đầu tiên của Trần Thanh không được đăng vì lý do chưa đủ chứng cứ, nhưng anh không nản, vẫn quyết tâm đưa ra ánh sáng vụ việc nghiêm trọng này.
Sáng lên tình người
Đạo diễn Phạm Ngọc Châu cho biết: “Khi nhận được kịch bản 30 tập phim “Ám ảnh” của biên kịch Trần Nhã Thụy, tôi đã thấy bị cuốn hút với đề tài này mặc dù biết làm nó sẽ rất khó. Cái khó trước tiên là bối cảnh nhà máy, khó mà tìm được một nhà máy có thực nào chịu hy sinh để đóng vai “kẻ ác”, làm sao chúng tôi dựng được một phim trường lớn như một nhà máy có quy mô. Thế là đoàn buộc phải tìm cách “chắp vá”, chỗ nào cho mượn bối cảnh thì dùng, chỗ nào không mượn được thì buộc phải dàn dựng thế nào cho đúng với thực tế”.
“Ám ảnh” do TFS sản xuất, đoạt Giải Bạc tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc 2011. Các diễn viên tham gia trong phim: Trí Quang, Nguyệt Ánh, Công Ninh, Quý Bình, Tăng Bảo Quyên…
Chính bởi sự nỗ lực của đoàn phim nên “Ám ảnh” thực sự thuyết phục người xem ở những cảnh quay chân thực như phim tư liệu, đó là cảnh cá tôm chết hàng loạt trắng ven bờ sông, những khoảnh đất phù sa màu mỡ đã bị biến màu đỏ ối như máu của dòng sông bị sát hại. Những số phận người dân nhỏ bé sinh sống bên bờ sông cũng được đề cập chi tiết và cảm động, đó là những người nông dân bị ngộ độc thực phẩm vì chính những sản vật của dòng sông đã từng mang tới cho họ sự thơm lành.
Trong ngôi làng An Hóa khốn khổ vì tai họa “từ trên trời rơi xuống” ấy, vào thời điểm đen tối nhất, khi mà dòng sông mang sự sống trở thành dòng sông mang tới cái chết, tình người vẫn sáng lên như một ngọn đèn dẫn lối. Các thầy cô giáo vẫn chắt chiu từng chén nước ngọt để dành cho những em bé ở trường mầm non, những người nông dân mưu sinh trên sông nước vẫn phải đùm bọc lấy nhau để gắng vượt qua cơn hoạn nạn...
Quỳnh Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.