Xem World Cup tại... bệnh viện K: Bóng vẫn lăn giữa lằn sinh – tử

Thứ hai, ngày 23/06/2014 18:24 PM (GMT+7)
Mỗi lần đi ngang qua bệnh viện K trên phố Quán Sứ (Hà Nội) tôi không khỏi cảm giác rợn rợn trong người. Bên cạnh con phố tấp nập, sau những bức tường rêu phong là nhiều mảnh đời đang đương đầu với cơn bệnh quái ác: ung thư. Đau đớn thể xác, đứng giữa lằn ranh sinh – tử nhưng mùa World Cup này, họ vẫn yêu đời đến lạ kỳ để lăn cùng trái bóng Brazuca. 
Bình luận 0

img

Tại Bệnh viện K, giữa cuộc chiến với căn bệnh ung thư, các bệnh nhân và người nhà vẫn dõi theo World Cup, dù chỉ xem qua điện thoại

Chuyện của Hải cụt chân

Hà Nội một đêm mưa tầm tã, những cửa hàng đã sập cửa tự bao giờ, phố xá vắng người qua lại, tôi đến bệnh viện K để tận mắt chứng kiến hình ảnh bệnh nhân nơi đây thưởng thức World Cup 2014. Không gian tĩnh mịch vây kín, gió rít len lỏi qua từng ô cửa, hành lang bệnh viện.

Cảnh tượng đó khiến những người yếu tim chắc khó lê bước vào nơi mà nhiều người đang oằn mình để giành giật sự sống. Bệnh viện lúc nửa đêm nên hầu hết các phòng bệnh nhân đã đóng cửa. Nhác thấy khu nhà ở khoa ngoại C vẫn còn sáng đèn, tôi bước lên cầu thang. Đập vào mắt tôi là hình ảnh rất đáng thương: một chàng trai trẻ bên chiếc nạng đang chăm chú xem bóng đá qua chiếc điện thoại. 

Sau cái nhoẻn miệng cười, tôi ngồi nói chuyện và được biết, chàng trai đó là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Tài nguyên môi trường (Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội), tên anh là Nguyễn Mạnh Hải. Thích bóng đá từ nhỏ và khi bước vào giảng đường, chàng trai này chơi ở vị trí tiền vệ của đội tuyển khoa. Tuy nhiên, khi vừa ra trường được 2 tháng và trong lúc đang chờ xin việc thì Mạnh Hải bị ngã, rồi cuộc đời chàng trai 23 tuổi này rẽ sang hướng khác. Hải bị thương ở chân nhưng do ở nhà không chữa trị đúng cách nên phần xương ống đồng bắt đầu bị hoại tử. 

Bố anh lặn lội từ quê nhà (xã Đông Quang, Quốc Oai – Hà Nội) đưa con đến bệnh viện K để chữa trị và các bác sĩ đành phải cắt bỏ nửa chân trái của Hải. “Ngày tôi lên bàn mổ đúng hôm khai mạc World Cup 2014, biết là có nhiều trận đấu hay nhưng tôi không thể ngồi dậy xem được. Chỉ đến khi vết mổ đỡ đau thì mới được tận hưởng World Cup. Năm nay, Hà Lan, Đức đá hay quá. Nhìn Arjen Robben rê bóng thật đã mắt! Nhưng giờ cụt chân thế này thì đành chỉ nhìn rồi thèm thôi”, Hải nói rồi quay đi với cái thở dài ngao ngán. Ánh mắt của Hải không giấu được nỗi thèm muốn có thể đi lại như người bình thường và cái cách anh nhìn bước chạy của Robben có cảm tưởng chỉ còn trong giấc mơ của người từng có những bước chạy thoăn thoắt ngày nào ở vị trí tiền vệ như Hải!

img

Anh Mạnh Hải (bìa phải) và người thân chăm chú theo dõi trận 

Argentina - Iran qua điện thoại

Bóng Brazuca lăn qua hành lang bệnh viện

Nhiều người vẫn nói, bệnh viện như xã hội thu nhỏ với nhiều mảnh đời khác nhau. Người giàu có hay người nghèo đều có khả năng mắc bệnh như nhau, nhưng khi vào đây, tất cả đều rất hòa đồng. Hôm tôi vào bệnh viện K khi trận Argentina - Iran đang diễn ra và rất ấn tượng khi rất nhiều người tụ tập bên chiếc ghế băng, bên hành lang bệnh viện để xem hai đội so tài qua… chiếc điện thoại di động. Những đường bóng hay, các cơ hội mà Argentina bỏ lỡ khiến những khán giả “đặc biệt” được sống trong phút giây ở nơi rất xa xôi, Brazil.

Xoa nhẹ đôi mắt đang hốc hác vì phải nhiều đêm mất ngủ để chăm người nhà bị bệnh, chú Lê Văn Sung (xã Tăng Tiến – Việt Yên – Bắc Giang) thở dài sau đường bóng hỏng của Messi: “Mấy ngày hôm nay may mà có World Cup chứ không đêm hôm buồn lắm! Ban ngày đi phục vụ người em trai của đang bị ung thư dạ dày, nằm điều trị ở đây đã mệt mỏi rồi, nhưng đêm về phải nghĩ sao để xoay có thêm tiền hòng bám trụ ở đây là điều nan giải lắm. Khổ thân nó, gia đình nghèo, vợ nó vừa bán sào ruộng được 62 triệu đồng mang lên Hà Nội đưa cho tôi để lo chữa trị bệnh tật cho em nó, may ra qua cơn hoạn nạn này”. 

Chia sẻ với tâm trạng của chú Sung, anh Phạm Văn Tuấn (đường Thiên Lôi – TP.Hải Phòng) nói rằng, ai vào đây cũng phải “chiến đấu” với những khó khăn từ tiền bạc cho đến bệnh tật nhưng cứ phải lạc quan và nghĩ về tương lai tốt đẹp! “Mẹ tôi vừa mổ, cắt bỏ một phần trực tràng, may mà phát hiện bệnh sớm chứ không thì nguy lắm rồi”, anh Tuấn bộc bạch.

Thấy những thân nhân đến chăm sóc bệnh nhân không có tivi xem bóng đá, anh Tuấn đã nhờ bạn bè ở Hải Phòng gửi lên Hà Nội cho mình chiếc điện thoại thông minh, màn hình cỡ lớn để hằng đêm mang ra hành lang, “cháy” cùng những trận đấu đỉnh cao ở World Cup. “Thú thật, khi vào viện, chưa biết mẹ mình sống chết thế nào nhưng cái máu bóng đá nó cứ lởn vởn trong đầu tôi. Đến khi mẹ tôi mổ xong xuôi, mọi chuyện khá dần lên thì ngồi xem bóng đá cũng rất thú vị. Đúng là bóng đá lạ kỳ thật, đã mê rồi thì khó bỏ lắm”, anh Tuấn nói rồi vỗ tay đôm đốp khi Messi xuất thần tung cú cứ lòng chân trái điệu nghệ, mang về chiến thắng chung cuộc 1-0 cho Argentina ở phút chót.

Vui khi những trận đấu có bàn thắng và cảm giác vỡ òa lúc đội bóng mình yêu thích giành chiến thắng. Nhưng sau những trận bóng, họ lại đắm chìm vào những nỗi lo rồi cầu mong cho thân nhân mình sớm chiến thắng bệnh tật. Thế mới biết, xem bóng đá ở lằn ranh sinh tử nó khác lạ nhưng vẫn ngời ngợi xúc cảm về tình yêu bất diệt với trái bóng tròn!

 

“Trâu bán rồi, vẫn mơ về Brazil!”

Trong số những khán giả đặc biệt ở bệnh viện K, tôi làm quen với một người đàn ông trung niên quê ở Phù Yên (Sơn La). Anh không muốn nói rõ tên mình vì “đến viện là để chăm em rể bị ung thư dạ dày” nhưng khi nói về bóng đá, mắt anh sáng ngời: “Khi em nó nhập viện, tôi bán hai con trâu được hơn 20 triệu đồng. Tất cả để mong cứu sống nó và cũng giống như mong Đức năm nay vô địch World Cup năm nay. Đội đó đá hay quá, làm tôi cứ mơ được sang tận Brazil để xem họ đá!”.

 

Công Vinh từng xem World Cup trên bàn mổ

Tháng 6/2010 tiền đạo Lê Công Vinh đã sang Bồ Đào Nha để chữa trị chấn thương đứt dây chằng đầu gối. Sang đất Bồ Đào Nha, vị bác sĩ mổ đầu gối cho Công Vinh là bác sĩ Jose Carlos, người từng điều trị chấn thương cho nhiều ngôi sao là Drogba, Deco, Anderson. Ở nơi xứ người, Công Vinh không đơn côi khi phần lớn thời gian anh thưởng thức các trận đấu tại World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi.

A Huỳnh xem bóng đá trong… rừng

Tiền đạo A Huỳnh (người dân tộc Giẻ Triêng) kể rằng, hồi nhỏ anh hay sang nhà hàng xóm chơi và được xem bóng đá qua chiếc TV đen trắng. Xem nhiều hóa thích rồi nghiền lúc nào không hay và giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của A Huỳnh bắt đầu từ đó. Nhưng một thời gian sau, nhà hàng xóm chuyển đi nơi khác và A Huỳnh phải chạy đường rừng để thỏa mãn niềm đam mê của mình. A Huỳnh tâm sự rằng, lúc đi thì hào hứng nhưng nếu đội thua, con đường về như xa hơn.
Thành Trung và Tự Long xem bóng đá trong… viện

Tự Long và Thành Trung không chỉ nổi tiếng với những vai hài xuất sắc mà còn được biết đến như là những CĐV bóng đá có hạng. Thế nhưng, năm vừa rồi là một năm đen đủi của cặp bài trùng ở chương trình “Chém chuối cuối tuần” khi họ thay nhau lên bàn mổ vì… đứt dây chằng đầu gối. Buộc phải phẫu thuật, Thành Trung và Tự Long phải xem bóng đá trong bệnh viện và trên giường bệnh một thời gian không ngắn.
(Theo Bongda Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem