Xét tặng giải thưởng và danh hiệu: Rối loạn vì khái niệm

Thứ sáu, ngày 12/08/2011 13:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước và danh hiệu NSND, NSƯT năm nay nhiều vụ kiện tụng, khiếu nại tới mức khuôn khổ một cuộc họp báo do Bộ VHTTDL cũng không thể giải đáp hết.
Bình luận 0

Chưa thỏa mãn bức xúc

Chiều 11.8, hầu hết các phóng viên theo dõi văn hóa văn nghệ của các tờ báo ở Hà Nội đã có mặt tại cuộc họp báo mang theo rất nhiều bức xúc của các văn nghệ sĩ về giải thưởng và danh hiệu năm 2011 này.

Chủ trì buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải và một số đại diện của các thành viên Hội đồng cơ sở, Hội đồng chuyên ngành. Rất nhiều ý kiến thắc mắc về trường hợp của nhóm nhạc sĩ đi kiện, tại sao nhóm các nhạc sĩ này bị trượt ở Hội đồng cơ sở, sau khi khiếu kiện lại được đưa vào để xét, phải chăng Hội đồng cơ sở đã làm chưa hết trách nhiệm.

img
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay vì không làm hồ sơ đúng quy định.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi cho biết: “Trong thông tư hướng dẫn để được xét Giải thưởng Nhà nước, các nhạc sĩ có quyền làm hồ sơ với tác phẩm và cụm tác phẩm. Trường hợp các nhạc sĩ bị loại do cụm tác phẩm của họ chưa đạt đủ số phiếu, sau khi có khiếu nại, chúng tôi gỡ rời từng tác phẩm ra và xét theo từng tác phẩm nên tiếp tục đưa vào danh sách”.

Rõ ràng đây là một cách giải thích thiếu thuyết phục bởi cho dù là “tác phẩm” hay “cụm tác phẩm” thì “nguyên liệu” của nó cũng như nhau, nếu ngay từ đầu, Hội đồng cơ sở chịu khó “gỡ rời” từng tác phẩm thì sẽ không có chuyện khiếu kiện đầy bức xúc của các nhạc sĩ như vậy.

Một tranh cãi khác vẫn chưa được thỏa mãn là trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước, trong danh sách xét Giải Nhà nước, 2 bộ phim của ông là “Những công dân a còng” và “Sự nhọc nhằn của cát” do có đơn khiếu nại của 2 biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú nên cuối cùng đã không được xét.

Đại diện của Bộ cho biết trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước không xét do chưa có sự đồng thuận của các đồng tác giả. Tuy nhiên, nhiều nhà báo thắc mắc, nếu xem biên kịch là “đồng tác giả” thì tại sao trong quy định, đạo diễn lại được phép làm hồ sơ riêng cho mình mà không phải là giải thưởng trao cho nhóm tác giả.

Các đợt xét giải lần trước, tất cả đạo diễn đều được làm hồ sơ xét giải tác phẩm điện ảnh với tư cách đạo diễn riêng biệt. Lần này do có khiếu kiện, có lẽ để tránh những rắc rối, Hội đồng cấp Bộ đã loại hồ sơ của đạo diễn Nguyễn Thước mà vẫn chưa tìm được cách giải thích thỏa đáng.

Nghệ sĩ không thích “xin”

Một trường hợp rất đáng tiếc khác trong đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này là của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông Hải Anh- Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ VHTTDL cho biết: “Chúng tôi đã nhận được công văn của Hội Âm nhạc Hà Nội đề nghị xét đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng chiều hôm qua (10.8), Bộ đã có công văn trả lời: “Nếu muốn được xét giải, nhạc sĩ Phạm Tuyên phải làm hồ sơ gửi đến theo đúng thủ tục quy định”.

Trao đổi với NTNN, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ông rất không hài lòng với cách giải thích này của Bộ. “Năm 2001 cũng có đợt xét giải, tôi không hề làm hồ sơ gì hết, vậy tại sao họ vẫn đưa tôi vào danh sách Giải thưởng Nhà nước? Tôi có “xin” đâu mà họ vẫn “cho” đấy thôi. Lần này, Hội Âm nhạc Hà Nội đã làm công văn đề nghị xét cho tôi, Bộ không xét thì thôi, tôi không có ý định làm hồ sơ để “xin” giải cho mình vì quan trọng nhất với tôi vẫn là tình cảm của khán giả”.

Ông Nguyễn Hải Anh- Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ VHTTDL cho biết: “Các trường hợp được xét đặc cách cũng rất ngặt nghèo, ví dụ như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, có nhiều đóng góp nghệ thuật nên được đưa vào để xét đặc cách danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, để đạt danh nhiệu này, nghệ sĩ cần có được 100% số phiếu hội đồng, trường hợp của nghệ sĩ Bùi Công Duy không đạt là vì vậy”.

Cơ chế “xin- cho” cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc nhiều nhất với các nghệ sĩ trong nhiều năm nay. Hàng loạt những nghệ sĩ tên tuổi như ca sĩ Ánh Tuyết, Cẩm Vân, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Thành Lộc... đều lên tiếng cho rằng họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi được yêu cầu phải làm đơn “xin” xét danh hiệu và bản kê khai thành tích.

Cá biệt như trường hợp của ca sĩ Cẩm Vân, chị cho biết đã 4 lần từ chối làm đơn để xin xét danh hiệu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình trong những lần tới, còn hiện nay, đã có thông tư hướng dẫn rồi thì chúng ta buộc phải tuân thủ đúng các thủ tục, việc làm đơn là một thủ tục hành chính bình thường”.

Hai năm một kỳ xét giải thưởng, thực tế hoạt động văn học nghệ thuật đang có rất nhiều thay đổi, vấn đề đánh giá đóng góp của các văn nghệ sĩ nên được đổi mới hơn, nhìn nhận cởi mở hơn thì may ra việc khiếu kiện triền miên mỗi khi xét giải mới có cơ ít đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem