Xét xử bị cáo Đinh La Thăng: Tách vụ án, tổng hợp hình phạt ra sao?

PV Thứ tư, ngày 17/01/2018 11:17 AM (GMT+7)
Ông Đinh La Thăng đã tự bào chữa trước tòa rằng việc bị truy tố cùng một tội danh giờ tách thành 2 vụ án thì bất lợi cho bị cáo. Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích về việc tách vụ án và tổng hợp hình phạt theo quy định pháp luật.
Bình luận 0

Sáng nay (17.1), bị cáo Đinh La Thăng đã nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án. Ông Thăng nói: "Sau vụ án này, bị cáo phải đối mặt với một vụ án khác cũng xảy ra tại PVN".

Trước đó, trong phần tự bào chữa trước tòa ông Thăng cũng đã nói: “Xin đề nghị HĐXX, đối với bị cáo, sau vụ án này, còn vụ án sau, mong HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn. Vì lẽ ra trong cùng một thời điểm, cùng bị truy tố một tội danh giờ tách thành hai vụ án thì bất lợi cho bị cáo”.

Luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng là ông Phan Trung Hoài cũng cho rằng ông Đinh La Thăng bị cả 2 cơ quan CSĐT và ANĐT đồng thời tiến hành điều tra 2 hành vi liên quan đến tội danh “cố ý làm trái”  nhưng hành vi của ông Thăng lại bị tách thành 2 vụ án được tiến hành độc lập là chưa thỏa đáng và gây bất lợi cho ông Đinh La Thăng.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố trong 2 vụ án. Đầu tiên là vụ “cố ý làm trái”, “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với số thiệt hại được xác định là 800 tỷ đồng của PVN khi góp vốn vào OceanBank (OJB), được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 31.8.2017.

Thứ hai là vụ án “cố ý làm trái”, “tham ô tài sản” xảy ra tại PVN do cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 15.9.2016 sau đó có quyết định khởi tố bổ sung, quyết định chuyển vụ án của Viện KSND Tối cao và quyết định tách vụ án số 26/ANĐT ngày 24.11.2017 tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình.

PV Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội để làm rõ hơn khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Thưa luật sư, trong trường hợp nào cơ quan tố tụng sẽ tiến hành tách vụ án để điều tra?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc nhập hoặc tách vụ án hình sự được quy định tại Điều 117 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Cụ thể, cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Việc tách vụ án mà ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì không được phép tách, còn nếu không ảnh hưởng thì hoàn toàn có thể tách được. Thông thường, việc tách vụ án để điều tra để quá trình xét xử được nhanh chóng thuận lợi.

img

Ông Đinh La Thăng đọc lời bào chữa trước tòa. Ảnh TTXVN.

Vậy nếu bị cáo bị xét xử trong nhiều vụ án khác nhau nhưng với cùng một tội danh như trường hợp ông Đinh La Thăng, nguyên tắc tổng hợp hình phạt được áp dụng như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Nguyên tắc tổng hợp hình phạt được quy định tại Điều 55, 56 Bộ luật hình sự 2015 đã chính thức có hiệu lực từ 1.1.2018.

Ví dụ như trường hợp của bị cáo Đinh La Thăng, nếu sau phiên tòa này bị cáo bị tòa tuyên là có tội, trong thời gian tới sẽ tiếp tục bị đưa ra xét xử với cùng tội danh “cố ý làm trái” thì việc quyết định hình phạt căn cứ theo khoản 1, Điều 56 Bộ luật hình sự 2015.

img

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh bạch. Ảnh NVCC.

Cụ thể, trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Còn khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới. Sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo Điều 55.

Cảm ơn luật sư!

Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

2. Đối với hình phạt bổ sung:

 a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem