Xét xử lại vụ án nhà báo Nguyễn Hải Phong ở Điện Biên
Xét xử lại vụ án nhà báo Nguyễn Hải Phong ở Điện Biên
Vinh Duy
Thứ năm, ngày 24/09/2020 16:17 PM (GMT+7)
Trong 2 ngày 18 – 19/9 vừa qua Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án nhà báo Nguyễn Hải Phong (Trưởng Đài truyền thanh – truyền hình huyện). Các cơ quan chức năng truy tố nhà báo Nguyễn Hải Phong về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 Bộ Luật hình sự.
Đây cũng là phiên tòa thứ 3 đưa ra xét xử công khai nhà báo Nguyễn Hải Phong sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 94 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo từng tuyên bị cáo 7 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trả hồ sơ cho các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo điều tra lại.
Gần 6 tháng sau khi tòa cấp phúc thẩm là Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 94 (bản án ngày 31/10/2019 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo), trả hồ sơ để tiến điều tra lại vụ án. Ngày 1/9/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo đã có bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 73. Chuyển hồ sơ vụ án và bản kết luận cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo để đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Phong về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 3 Điều 175 Bộ Luật hình sự.
Căn cứ theo Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 03 (24/8/2020) và bản kết luận điều tra số 73 của Cơ quan quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo, đến ngày 3/9/2020 Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng đã lập cáo trạng số 68 quyết định truy tố bị can ra trước tòa. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án ngày 4/9/2020 Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo ban hành Quyết định số 69 ấn định thời gian đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai tại trụ sở tòa án huyện. Theo quyết định này, những người tiến hành tố tụng trong phiên tòa gồm: Ông Lê Đình Hà, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo là bà Nông Thị Vân và ông Phạm Minh Hưng.
Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng triệu tập tổng cộng 10 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đến phiên tòa, trong đó có cả ông Nguyễn Mạnh Cường (cháu ông Dương Đức Hiển) người mà trong các kết luận điều tra, các bút lục thể hiện là nhân vật cháu đi nhờ chú xin việc làm tại huyện Tuần Giáo.
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Hải Phong và Luật sư bào chữa Nguyễn Thị Minh Châu (Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đều đồng loạt yêu cầu hội đồng xét xử phải thay đổi 2 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo tham gia phiên tòa là bà Nông Thị Vân và ông Phạm Minh Hưng, căn cứ theo khoản 3 Điều 49 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Lý do được bị cáo và người bào chữa đưa ra với hội đồng xét xử là nghi ngờ các cán bộ này không "vô tư" trong khi làm nhiệm vụ, đã tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án "lừa đảo dụng chiếm đoạt tài sản" bị truy tố trước đó.
Ngoài ra Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu nêu quan điểm cho rằng: Các cán bộ này có tư thù cá nhân từ nhiều năm trước với bị cáo Nguyễn Hải Phong nhất là trong vụ án vụ án hình sự số 39 ngày 9/6/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo liên quan đến việc chứa mại dâm tại nhà nghỉ Thúy Nga (khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo).
Theo đó vào đầu năm 2013, nhà báo Nguyễn Hải Phong và phóng viên nhiều cơ quan báo chí khác của trung ương, địa phương có tham gia viết bài phản ánh tiêu cực, tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuần Giáo (công an, viện kiểm sát huyện) khiến việc được quy hoạch lên làm cán bộ chủ chốt của một số cán bộ bị chậm lại, trong đó có cả kiểm sát viên Nông Thị Vân của vụ án mới này. Do đó nếu giữ nguyên 2 kiểm sát viên này tham gia tố tụng trong phiên tòa thì sẽ không đảm bảo tính công bằng, khách quan để làm rõ được bản chất vụ việc vì có thể đã bị làm sai bản chất vụ án ngay từ phía cơ quan điều tra.
Tuy nhiên sau 3 lần tạm dừng hội ý, hội đồng xét xử vẫn cho phép 2 kiểm sát viên này tham gia phiên tòa, bác bỏ đề nghị của bị cáo Nguyễn Hải Phong và Luật sư bào chữa, cho rằng không có căn cứ cụ thể để chứng minh điều mâu thuẫn nêu trên.
Nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ
Tại phiên toà Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng dù vụ án đã được tiến hành điều tra lại, song các cơ quan điều tra, tố tụng huyện Tuần Giáo vẫn chưa làm tròn hết trách nhiệm điều tra. Chưa tìm ra sự thật khách quan hoặc vì một lý do nào khác đã cố tình làm sai đi bản chất thật của vụ án. Điều này thể hiện ở việc cơ quan điều tra chưa làm rõ nét, chứng minh rõ ràng mâu thuẫn về khoảng thời gian lập giấy biên nhận tiền giữa 2 bên vào ngày 11/8/2017 là vào 11h15' (theo lời khai bị cáo) hay từ 17h – 17h30' (theo lời khai của bị hại).
Trên giấy biên nhận ngày 11/8/2017 có 3 chữ ký của bị cáo, bị hại và người làm chứng Lò Thị Thẹo (mẹ vợ bị hại), tuy nhiên chỉ có màu mực chữ ký của người làm chứng là khác màu, dù bản thân bị hại Dương Đức Hiển khai là ký cùng một bút, một màu mực trong cùng một khoảng thời gian. Do đó luật sư cho rằng các cơ quan điều tra đã làm một việc "thừa thãi" là đi giám định chữ ký của bị hại, bị cáo trong khi cả 2 đều công nhận chữ ký này là đúng của mình, riêng để xác định bút dùng để ký của bà Thẹo trong giấy biên nhận tiền có cùng với bút mà bị hại, bị cáo đã ký hay không thì lại không được giám định.
Ngoài ra ngay tại phiên toà, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cũng đã đưa ra cho hội đồng xét xử một bản in phôi giấy biên nhận chưa có chữ ký của 2 bên đã được thể hiện trong các bút lục của cơ quan điều tra là tháo niêm phong máy tính của ông Hiển để in lại phôi giấy biên nhận gốc soạn thảo trong máy tính theo lời khai của bị hại để phục vụ điều tra. Tuy nhiên so sánh các bản in này có tới 5 điểm khác nhau từ cỡ chữ, phông chữ, giãn cách lề, một số dấu chấm, chữ in nghiêng.
Theo Luật sư Châu đây có thể là chứng cứ giả mà cơ quan điều tra thông đồng cùng bị hại dựng lên để khẳng định khoảng thời gian bị cáo Phong có mặt tại nhà bị hại là vào lúc 17h-17h30 ngày 11/8/2017. Bởi nếu đây là file văn bản gốc được lập trên máy tính ông Hiển vào khoảng thời gian này thì trên các thông số hiển thị phải có rõ thời gian, ngày giờ lập. Tuy nhiên theo hồ sơ các điều tra viên, giám định viên lại cho rằng không xác định được khoảng thời gian này. Đây là một điều vô cùng khó hiểu.
Cũng tại phiên tòa, ông Trần Ngọc Tuyên, người bào chữa nêu quan điểm: Nếu chiếu theo Điều 175 Bộ Luật hình sự về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì việc ông Dương Đức Hiển và bị can Nguyễn Hải Phong lập Giấy biên nhận số tiền 248.000.000 đồng vào ngày 11/8/2017 có thể coi là một hình thức hợp đồng thỏa thuận để Bên A – Nguyễn Hải Phong xin việc cho cháu của Bên B – Dương Đức Hiển vào làm việc tại Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo. Theo như giấy biên nhận này của 2 bên nếu chiếu theo Điều 175 thì đây không phải là hình thức "vay, mượn, thuê tài sản của người khác".
Do đó nếu cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo căn cứ theo Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 và áp dụng theo điều luật 175 để truy tố bị can Nguyễn Hải Phong ra trước tòa về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì vô tình cũng đã bỏ lọt tội phạm.
Tội phạm ở đây là ông Dương Đức Hiển và vợ là bà Quàng Thị Như Quỳnh đã dùng số tiền 248.000.000 đồng để hối lộ cho ông Nguyễn Hải Phong (Trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo) để xin việc cho cháu vào làm việc tại cơ quan. Hành vi này đã phạm vào tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự và sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, sau khi kết thúc phần xét hỏi bị cáo, bị hại và những người có liên quan, tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo và người bào chữa, hội đồng xét xử cho rằng do vụ án có tính chất phức tạp, nên việc nghị án sẽ kéo dài. Trong chiều nay (ngày 24/9/2020) Tòa sẽ tiến hành tuyên án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.