Vì sao đã khắc phục hậu quả bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 17/11/2024 07:59 AM (GMT+7)
Viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm y án sơ thẩm tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dù có tình tiết giảm nhẹ mới. Chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Bình luận 0

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị y án tử hình

Ngày 15/11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1).

Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty khác. Trước khi hợp nhất, SCB hoạt động theo hình thức nhờ các cổ đông đứng tên giúp. Lợi dụng vị trí cổ đông lớn của các ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã thế chấp để bảo đảm các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Sau khi biết các ngân hàng trên phải hợp nhất, Trương Mỹ Lan mua lại cổ phần của các ngân hàng trên, đưa người vào nắm giữ các vị trí chủ chốt. Trương Mỹ Lan nắm vị trí chi phối, đại cổ đông nắm 91% cổ phần Ngân hàng SCB. Do đó, các bị cáo khác nhận thức bà Lan là chủ điều hành ngân hàng, có quyền quyết định cao nhất tại SCB. Từ đó, viện kiểm sát cho rằng có đủ điều kiện để xét xử bà Trương Mỹ Lan về các tội vi phạm về chức vụ.

Tại cấp phúc thẩm, bà Lan thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện quyết tâm khắc phục hậu quả bằng cách có đơn cam kết đưa các tài sản không bị kê biên và dự án 6A để khắc phục hậu quả.

Vì sao đã khắc phục hậu quả bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình?- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: XH.

Đây là tình tiết giảm nhẹ mới của các bị cáo nên có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đối với tội tham ô tài sản, bị cáo tổ chức thực hiện hành vi trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.

Căn cứ để quyết định hình phạt

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật, việc giải quyết vụ án hình sự sẽ hướng đến hai vấn đề là tội danh và hình phạt. Trường hợp bị cáo có tội, tòa án sẽ lựa chọn loại hình phạt và quyết định mức hình phạt phù hợp.

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, để xác định người phạm tội phải chịu hình phạt như thế nào, trước tiên phải căn cứ vào việc người đó phạm vào tội gì, ở khung hình phạt nào. Hình phạt đối với người phạm tội còn phụ thuộc vào khung khoản điều luật áp dụng, có thuộc khung tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không?

Theo ông Cường, việc quyết định mức hình phạt cụ thể còn căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Những yếu tố này cũng quan trọng khi tòa án quyết định loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể đối với từng người phạm tội khi lượng hình. Tuy nhiên nguyên tắc chung là phải áp dụng hình phạt mà pháp luật có quy định, việc chuyển sang hình phạt khác chỉ có thể áp dụng nếu đủ điều kiện áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự.

Đối với vụ án có khung hình phạt cao nhất là tử hình như tội tham ô tài sản mà bị cáo thực hiện hành vi tham ô với số tiền đặc biệt lớn, có thể nói là lớn nhất trong lịch sử tố tụng hình sự như vụ Vạn Thịnh Phát, dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng khó có thể thoát được mức án cao nhất.

Vị chuyên gia nói thêm, ở giai đoạn phúc thẩm tòa án sẽ xét xử lại phần bản án, quyết định có kháng cáo hoặc có kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ làm rõ việc xét xử tại cấp sơ thẩm về tội danh là đúng hay chưa, có oan sai hay không.

Tiếp theo là làm rõ mức hình phạt và loại hình phạt áp dụng như vậy đã phù hợp hay chưa, giai đoạn phúc thẩm có tình tiết chứng cứ gì mới hay không.

Tuy nhiên, thực tiễn trong tố tụng cho thấy, có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm xuất hiện nhiều tình tiết mới nhưng xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tòa án vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem