Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Người kêu oan, người xin giảm nhẹ hình phạt

Xuân Huy - Bách Thuận Thứ năm, ngày 10/08/2023 09:19 AM (GMT+7)
Tự bào chữa sau khi bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh luận tội, nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty Tây Hồ vẫn khẳng định mình bị oan.
Bình luận 0

Đề nghị buộc các bị cáo bồi thường hơn 184 tỷ đồng

Sau 1,5 ngày xét xử, chiều 9/8, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nêu quan điểm luận tội, đề nghị mức án với các bị cáo liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ).

Theo đó, nêu quan điểm luận tội các bị cáo trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Đặng Quang Tuấn - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ 9 – 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015.

Viện Kiểm sát cũng đề nghị tòa tuyên phạt các bị cáo Tân Tú Hải - nguyên Tổng giám đốc 9 – 10 năm tù; Phan Việt Anh - nguyên Phó Tổng giám đốc 6 – 7 năm tù; Chu Thị Ngọc Ngà - nguyên Trưởng ban kiểm soát 13 – 14 năm tù; Nguyễn Tấn Hoàng - nguyên Trưởng phòng kinh doanh mức án 4 – 5 năm tù cùng với tội nêu trên.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Người kêu oan, người xin giảm nhẹ hình phạt - Ảnh 1.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường hơn 184 tỷ đồng. Ảnh: MXH

Về dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho Công ty Tây Hồ hơn 184 tỷ đồng (trong đó có hơn 91 tỷ đồng là tài sản Nhà nước).

Viện Kiểm sát đánh giá, tại tòa, các bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải, Phan Việt Anh và Nguyễn Tấn Hoàng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà phản bác cáo trạng, cho rằng bị điều tra viên đe dọa, ép cung, song không đưa ra được bằng chứng về việc ép cung này.

Viện Kiểm sát đánh giá, tại tòa, các bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải, Phan Việt Anh và Nguyễn Tấn Hoàng, đã thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà phản bác cáo trạng, cho rằng bị điều tra viên đe dọa, ép cung, song không đưa ra được bằng chứng về việc ép cung này.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo là cố ý, dẫn đến thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (đơn vị nắm hơn 98% vốn Nhà nước).

Nhóm bị cáo phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ, hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế nhà nước.

Đáng chú ý, Viện Kiểm sát quy kết bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà giữ vai trò chính cùng với các bị cáo Tân Tú Hải, Đặng Quang Tuấn quyết định việc mua bán đất; Phan Việt Anh và Nguyễn Tấn Hoàng giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Người xin giảm nhẹ hình phạt, người kêu oan

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Tân Tú Hải cho biết, bản thân có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp, bản thân được tặng nhiều bằng khen từ Chính phủ đến các Bộ, ngành.

Nói về việc bị cáo buộc nhận 2 tỷ, ông này nói nhận trong thời gian dài chứ không phải là nhận một lần. Bị cáo này đề nghị giải tỏa kê biên thửa đất mà dòng họ ủy quyền cho mình.

Với Đặng Quang Tuấn, vị nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ nói đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá vai trò của bị cáo này trong vụ án để có mức án thấp nhất có thể để về chăm sóc bố mẹ, con cái. Bị cáo này gửi lời xin lỗi tới gia đình, đảng bộ cùng nhiều đơn vị liên quan.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Người kêu oan, người xin giảm nhẹ hình phạt - Ảnh 2.

Tự bào chữa trước tòa, có bị cáo nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt nhưng cũng có bị cáo kêu oan. Trong ảnh (từ trái qua phải) là các bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng, Phan Việt Anh, Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải và Chu Thị Ngọc Ngà. Ảnh: HC

Với bị cáo Phan Việt Anh, bị cáo này mong HĐXX xem xét thiệt hại, xem xét bị cáo sức khỏe yếu xin giảm nhẹ hình phạt. Cũng xin giảm nhẹ hình phạt như Phan Việt Anh, bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng thừa nhận hành vi phạm tội của mình khi tự bào chữa.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà - nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty Tây Hồ cho rằng, quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát với bà Ngà có những tình tiết không khách quan, không công bằng.

Theo bà Ngà, trong phần nêu vai trò, vị trí, quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát không nêu rõ vị trí của bị cáo Ngà là Trưởng ban kiểm soát mà nêu là thành viên HĐQT, điều đó là không đúng chức danh.

Với tình tiết bị cáo Ngà khai nhận tại tòa về các bản cung, về tình trạng tinh thần của bị cáo này dẫn đến các lời cung trong thời gian bị tạm giam, ý kiến của Viện Kiểm sát có nêu là không có tài liệu, cơ sở chứng minh, bị cáo Ngà cũng cho rằng không công bằng.

"Bị cáo có ý kiến là, với điều kiện bị tạm giam, ngồi một đối một với điều tra viên, điều tra viên không thực hiện hình thức là ghi âm, ghi hình có sự chứng kiến của Viện Kiểm sát, có sự chứng kiến của luật sư, bị cáo làm sao chứng minh được là có tài liệu hay là có cơ sở, điều đó là không công bằng với bị cáo" – bị cáo nguyên là Trưởng ban kiểm soát Công ty Tây Hồ nói.

Cũng theo bị cáo Ngà, trong luận tội, Viện Kiểm sát vẫn khẳng định tất cả các bị cáo tại vụ án này đều vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, ý kiến của bị cáo vẫn giữ nguyên quan điểm, rằng 5 bị cáo trong vụ án và bản thân bị cáo Ngà không vi phạm quy định đấy "do luật của Nhà nước không quy định như vậy".

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Người kêu oan, người xin giảm nhẹ hình phạt - Ảnh 3.

Tự bào chữa, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà tiếp tục khẳng định mình bị oan, vô tội trong vụ án. Ảnh: HC

"Với những dẫn chứng luật của luật sư của bị cáo cùng các luật sư khác đưa ra tại phiên tòa, cơ sở để Viện Kiểm sát đưa ra nhận định về Công ty Tây Hồ có vốn nhà nước chưa có sức thuyết phục.

Về quy chế, quy định và những trích dẫn của Viện Kiểm sát theo quan điểm của bị cáo không phải quy định của pháp luật. Quy chế quản lý, quy chế cho người giữ vốn tại công ty không phải là quy định pháp luật…mà nó chỉ sử dụng trong doanh nghiệp" - bị cáo Ngà tranh luận.

Tiếp tục tự bào chữa, bị cáo Ngà cho biết, trong toàn bộ kết luận điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm sát đều cho rằng bị cáo là đồng phạm tiếp sức. Với chức năng là Trưởng ban kiểm soát, bị cáo Ngà nói không thể chỉ đạo HĐQT ra nghị quết, thực hiện nghị quyết.

"Tất cả các ý kiến của bị cáo chỉ là ý kiến tham khảo, không thể là ý kiến quyết định để cho HĐQT của một doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Với ý kiến nhận định của Viện Kiểm sát rằng bị cáo có vai trò chủ chốt là hoàn toàn không minh bạch" – bị cáo Ngà nhận định.

Theo bị cáo Ngà, kể cả thành viên HĐQT, 2 người đại diện vốn cổ đông của tổng công ty có phạm tội thì bị cáo này cũng mới chỉ là đồng phạm giúp sức, không thể nào lại là người chủ mưu, chủ động, có thể dẫn dắt có thể quyết định tất cả những việc dẫn đến hành vi phạm tội theo như luận tội của Viện Kiểm stas.

"Với khung hình phạt Viện Kiểm sát đưa ra với bị cáo, cho đến giờ phút này, bị cáo vẫn khẳng định mình vô tội. Việc triển khai 118 lô đất tại Công ty Tây Hồ là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, không vi phạm pháp luật. Rất mong chủ tọa phiên tòa công minh sáng suốt, đúng người đúng tội…" – bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà nói.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Nin thể hiện, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.

Cơ quan truy tố cáo buộc, Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng Công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ), Chu Thị Ngọc Ngà (Trưởng ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ), Nguyễn Tấn Hoàng là các thành viên HĐQT, trưởng phòng kinh doanh thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.

Cơ quan truy tố cũng cáo buộc, tổng số tiền chênh lệch từ việc bán 118 lô đất được bị cáo Ngà quản lý, không hạch toán vào sổ sách kế toán của Công ty Tây Hồ mà dùng để chi cho các hoạt đông khác như chi cho Tuấn, Hải mỗi người 2 tỷ đồng; Việt Anh 1,5 tỷ đồng; bị cáo Ngà 1 tỷ đồng.

Số tiền còn lại, một phần dùng để chi vào các dịp lễ, tết, đi du lịch và các khoản chi chung của công ty, không có chứng từ hạch toán; phần lớn số tiền còn lại được sử dụng vào việc xin lại 10 héc ta đất tại dự án Khu đô thị mới Quế Võ đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh thu hồi năm 2013.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem