Ngày 27.3, TAND TP.Hải Phòng bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tạiTập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với 9 bị cáo bị truy tố.
Thiệt hại do... khách quan
Liên quan đến hành vi cố ý làm trái trong Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Diesel Cái Lân (Quảng Ninh), bị cáo Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinashin, thừa nhận đã làm sai quy trình đầu tư, chưa xác định chất lượng thiết bị nhưng vẫn chấp thuận cho Công ty Jacobsen trúng thầu cung cấp dây chuyền máy móc của nhà máy trên. Việc thanh toán cho nhà thầu 10% là sai, đáng lẽ phải chờ, nhưng sợ lâu bị rút vốn, sẽ bị phạt hợp đồng.?Quá trình vận hành do mới đầu tư, không thể có lãi ngay được nên lỗ là đương nhiên.
|
Các bị cáo trước vành móng ngựa. |
Liên quan đến việc đầu tư mua tàu Hoa Sen, bị cáo Phạm Thanh Bình cho rằng đây là kế hoạch lâu dài, được quy hoạch của Chính phủ trong việc thiết lập đường tàu thủy cao tốc Bắc Nam, cần đóng mới 12 tàu. Do tính cấp bách của dự án, chỉ có 2 tàu phù hợp với dự án nên phải mua ngay trong khi dự án chưa được duyệt.
Bị cáo Bình cho rằng, các thiệt hại lãi vay, chi phí tài chính là chi phí đầu tư thì không phải do sai phạm của bị cáo gây ra. Còn thiệt hại về vết nứt trên tàu Hoa Sen thì cơ quan bảo hiểm phải chi trả. Bị cáo cũng xác định việc chạy thử sẽ lỗ, nhưng trong tương lai, nếu thành công, hàng chục con tàu đi vào hoạt động thì tuyến vận tải sẽ có lãi. Về thiệt hại vật chất, bị cáo Bình cho rằng là do khách quan. Việc bị lỗ giai đoạn đầu là đương nhiên, còn nếu toàn bộ dự án đi vào hoạt động với 12 con tàu thì không thể lỗ.
Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương chưa nhất trí hoàn toàn với cáo trạng. Cụ thể, việc phát hiện vết nứt đúng như trong cáo trạng, do nguyên nhân tiềm ẩn, ngoài khả năng phát hiện của người đi mua. Cáo trạng quy kết tội đồng phạm, bị cáo này không đồng ý vì cho rằng chỉ là người thực hành. Công ty Viễn Dương không phải là chủ đầu tư trực tiếp mà chỉ tham gia ký hợp đồng mua tàu, giao dịch, kiểm tra, ký hợp đồng.
Bị cáo đã đi kiểm tra tàu, đã làm đúng quy định, đã thuê công ty nước ngoài thẩm định và gửi báo cáo về. Việc tăng mức đầu tư lên hơn 100 tỷ đồng, bị cáo Liêm cho biết phải điều chỉnh là do phải xây dựng thêm cầu cảng, đường dẫn để khách lên xuống do cửa lên xuống tàu Hoa Sen ở đuôi tàu, trong khi hệ thống cầu cảng Việt Nam chỉ phù hợp cho các tàu có cửa lên xuống ở mạn tàu.
Bị cáo Hoàng Gia Hiệp - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Vinashin (VFC) trình bày, bị cáo nhận thức có sai phạm đã sử dụng quyển dự án chưa phê duyệt để làm thủ tục cho Công ty Viễn Dương vay vốn.
Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao lại ký 2 hợp đồng tín dụng đều cùng số tiền 1.390 tỷ đồng, bị cáo nói rằng, là vì có 2 nguồn vốn khác nhau (do nguồn vốn phát hành trái phiếu đợt 1 và 2 với các mục đích sử dụng vốn khác nhau). Bị cáo thừa nhận có sai sót là chưa thanh lý hợp đồng thứ nhất, không có chuyện ký 2 hợp đồng để cho vay 2 lần.
Bị cáo bảo... làm lợi cho Nhà nước!
Bị cáo Trịnh Thị Hậu - nguyên Tổng Giám đốc VFC không thừa nhận có hành vi cố ý làm trái mà đã làm đúng quy định của pháp luật. Bị cáo không đồng ý với những cáo buộc của cáo trạng và cho rằng, việc làm của mình làm lợi cho dự án hàng chục tỷ đồng.
Việc VFC ký hợp đồng với Ngân hàng Đầu tư phát triển Bắc Hà Nội cam kết bảo lãnh là đúng quy định. Trình tự thủ tục ký công văn bảo lãnh để ngân hàng phát hành bảo lãnh là đúng vì đã có hợp đồng. Do đã ký kết hợp đồng dịch vụ, nên khi cầm công văn sang thì cầm theo hợp đồng. Bị cáo nhắc lại đó là công văn chứ không phải thư bảo lãnh.
Đại diện tổ chức giám định cho HĐXX biết: Tổng chi phí cho tàu Hoa Sen (tính từ 31.7.2010) là hơn 1.982 tỷ đồng, khoản lãi hơn 486 tỷ đồng. Chi phí sửa chữa vết nứt là hơn 5 tỷ đồng. Số tiền thiệt hại khi mua tàu Hoa Sen là hơn 469,5 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tàu Hoa Sen tại thời điểm tháng 1.2011 là 839,524 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Thị Hậu - nguyên Tổng Giám đốc VFC không thừa nhận có hành vi cố ý làm trái mà đã làm đúng quy định của pháp luật. Bị cáo không đồng ý với những cáo buộc của cáo trạng và cho rằng, việc làm của mình làm lợi cho dự án hàng chục tỷ đồng.
Đại diện VFC cho biết hiện Công ty Viễn Dương còn nợ Công ty Tài chính VFC - hơn 1.000 tỷ đồng. Về khoản nợ này, vị đại diện không có ý kiến gì, đề nghị HĐXX xử theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty CNTT Nam Triệu, bị cáo Trần Quang Vũ - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNTT Nam Triệu thừa nhận có lỗi là bán tài sản đã thế chấp.
Bị cáo thừa nhận chưa làm thủ tục giải chấp nhưng đã bán là sai. Cái sai thứ hai là việc bán vỏ tàu cho Công ty Hoàng Thành không qua hình thức đấu giá (nhưng bị cáo cho rằng giá bán đó là quá tốt). Số tiền bán vỏ tàu đã được dùng vào việc trả lương cho công nhân, mua vật tư, thưởng tết. Đó là những việc chi khẩn cấp. Bị cáo trình bày do quá nhiều việc nên không kiểm soát hết, và đó là chi để cứu công nhân.
Ngày 28.3, phiên toà tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn các bị cáo liên quan tới các vụ việc khác.
Vũ Thị Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.