"Quán cơm xã hội Nụ Cười (số 6 Cống Quỳnh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1, TP.HCM) lúc nào cũng đông khách. Đơn giản vì giá cho một phần cơm nơi đây chỉ có 2.000 đồng. Bữa ăn có đủ: cơm, xào, kho, rau và cả tráng miệng. Giữa lòng thành phố, tìm một quán ăn như thế này rất hiếm nên chuyện đông khách là lẽ tất nhiên.
Những suất cơm từ thiện có mục đích cao cả là nhằm giảm bớt những vất vả khó khăn cho người nghèo. I.T
Quán mở cửa vào thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần và chỉ phục vụ người nghèo. Thế nhưng, đối tượng khách vào quán ngày càng “thượng lưu hóa”. Thay vì những chiếc xe đạp, xe ba gác, xích lô được đậu trước cửa quán như trước thì nay có sự hiện diện của những chiếc xe tay ga, xe số bóng loáng. Hóa ra những người trung lưu, giàu có cũng vào đây ăn. Họ thản nhiên xếp hàng trước tấm biển “Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM” và những cặp mắt ái ngại đang đổ dồn về phía mình. Họ vẫn vô tư ngồi ăn với người nghèo, thậm chí sau khi ăn xong còn mua mang về nhà một hay hai phần cho gia đình.
Chủ quán không trực tiếp ở đây nên họ không hay biết. Nhân viên quản lý và phục vụ biết rất rõ và đã nhắc khéo nhiều lần nhưng các vị khách giàu sang vẫn vào vô tư ăn. “Miếng ăn là miếng tồi tàn” - nên quán cũng lơ là cho qua vì sợ có sự cãi vã. Còn các vị khách nghèo chẳng muốn phản đối hay phản ảnh vì họ cần no bụng để tiếp tục cho những công việc khó nhọc của buổi chiều. Thành ra, các vị khách giàu sang kéo đến quán ngày một nhiều. Có người nghĩ, chắc họ ăn là để hòa nhập với người nghèo. Điều ấy chỉ là suy đoán nên không biết thực hư ra sao. Chỉ biết, chén cơm của người nghèo ngày một teo tóp bởi sự hiện diện của những người như họ.
Thời buổi khó khăn, mỗi người, mỗi gia đình đều phải “thắt lưng, buộc bụng”, chi tiêu hợp lý nhằm cải thiện kinh tế. Nhưng có cần tiết kiệm đến mức phải đi giành ăn với cả người nghèo?"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.