Theo quan niệm cổ truyền, vào dịp đầu năm mới, người dân lại đi hái lộc đầu xuân, đến đình chùa xin lộc và cầu phúc, cầu tài. Đây là một phong tục có ý nghĩa, mang giá trị tinh thần của người Việt.
Từ xa xưa, người ta chỉ hái một cành rất nhỏ trên cây sung, sanh hay cây đa – những loài vốn có sức sống mạnh mẽ, rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà, ý báo đã “rước lộc” về gia đình.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, về ý nghĩa tâm linh, lộc là cách nói tượng trưng cho những điều tốt lành được phát triển, sinh sôi trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay phong tục "xin lộc" đang dần bị biến tướng.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Khanh cho biết, lên chùa khởi tâm thắp một nén hương xin lộc, cầu mong quốc thái dân an, cầu cho công thành danh toại, trí tuệ sáng suốt, sức khỏe khang kiện thì người ta gọi đó là “xin lộc” theo ý nghĩa tâm linh truyền thống. Tuy nhiên, muốn hái được “lộc quý” trước tiên phải gieo nhân lành.
Muốn hái phúc lộc thì phải gieo mầm thiện lương, gieo ân đức, lộc sẽ tự nhiên chảy về nhà, chứ không phải tranh nhau bẻ cành, hái búp làm đau đớn và chảy máu cây cối trong dịp đầu năm.
Theo Tiến sĩ Khanh, ở một số nước phương Tây còn quy định dịp Tết Tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí. Số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế cây bị chặt.
“Qua nhiều năm nghiên cứu khảo nghiệm tôi thấy, khi ta đến chùa, hương linh gia tiên cũng hoan hỷ đi theo con cháu. Ngoài ra, những cô hồn ngạ quỷ lang thang đói khổ, không nơi nương tựa chỉ biết về tá túc trên những cành cây, chồi non xung quanh vườn chùa và nơi công cộng để hưởng sự bố thí trong nghi lễ cúng cô hồn”, ông Khanh nói.
Phong tục hái lộc đầu năm đang dần bị biến tướng. Ảnh: IT
Ông Khanh cũng cho rằng, khi bẻ cành, hái búp ở chốn linh thiêng và khấn xin về nhà, có thể họ sẽ đi theo ta. Bởi hữu thỉnh hữu lai – vì ta mời nên họ có cớ về gia đình của để tá túc và hưởng thụ sự cúng cấp.
Theo quan niệm dân gian, nếu chẳng may gặp phải vong ngạ quỷ, hoặc oan gia nghiệp chướng mà gia chủ không cúng lễ chu đáo sẽ phiền hà, khó tránh khỏi bị nhũng nhiễu.
Như vậy, hành vi hái cành lộc, triệt hạ cây cối ở chùa hoặc nơi công cộng, không những phá hoại môi trường trong ngày đầu Xuân mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực trên phương diện tâm linh.
"Việc hiểu sai khái niệm “hái lộc đầu Xuân”, bẻ cành cây đang nảy nở tươi xanh chính là đang gieo một nhân xấu. Cần phải có những hình thức mang tính nhân văn, thay vì hái lộc thì hãy gieo lộc bằng cách trồng thêm cây cho thế hệ mai sau" - ông Khanh chốt lại.
*Thông tin mang tính chất tham khảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.