Xô Viết Nghệ Tĩnh là niềm tự hào, kiêu hãnh, hun đúc sức mạnh xứ Nghệ
Xô Viết Nghệ Tĩnh là niềm tự hào, kiêu hãnh, hun đúc sức mạnh xứ Nghệ
Cảnh Thắng
Thứ bảy, ngày 12/09/2020 06:07 AM (GMT+7)
Xô Viết Nghệ Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu "pho sử bằng vàng" của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và quê hương xứ Nghệ. Tinh thần đó mãi vẫn vẹn nguyên trong công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương Bác Hồ kính yêu.
Tại cuộc Hội thảo khoa học quốc gia ngày (6/9/2020) với chủ đề "Xô viết Nghệ - Tĩnh, sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử (12/9/1930 - 12/9/2020), ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nói: "Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu cho lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam; đánh dấu việc Đảng ta - một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân. Phong trào còn là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên Chủ nghĩa xã hội".
Theo ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An, Nghệ Tĩnh là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, nhân dân có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Suốt hàng ngàn năm ở nhiều thời đại, xứ Nghệ là rường cột, là chỗ dựa tin cậy để đón quân lui, quân tiến của chính quyền Trung ương, là quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt, sỹ phu yêu nước.
"Cũng như các địa phương khác, lúc bấy giờ, Nghệ Tĩnh phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi sự bóc lột tàn khốc của đế quốc và phong kiến. Vinh - Bến Thủy là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, có giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng, vì thế Đảng bộ Nghệ An và Đảng bộ Hà Tĩnh sớm được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đây chính là điều kiện tiền đề cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Nghệ Tĩnh phát triển thành đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931", Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nói.
Cũng theo ông Thái Thanh Quý, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng công, nông trong cả nước nổi dậy đấu tranh. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi... không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết "chia lửa" cùng nhân dân Nghệ Tĩnh, mà còn minh chứng sức mạnh đoàn kết, cố kết cộng đồng, chung lưng đấu cật của cả dân tộc Việt Nam chống lại sự nô dịch của thực dân và tay sai.
"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên của nhân dân và cả hệ thống chính trị, nhất là tinh thần tiến công cách mạng, "đứng đầu dậy trước" của Xô Viết Nghệ Tĩnh, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kết nối phát triển vùng Bắc Trung Bộ trên nhiều lĩnh vực".
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý.
Bên cạnh đó, vượt ra khỏi không gian của đất nước Việt Nam, phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng công - nông đầu tiên nổ ra trong hệ thống thuộc địa thế giới, tiến công vào dinh lũy và làm rung chuyển nền thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai ở Đông Dương, thông qua đó, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành cầu nối cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Những kết quả này đánh dấu tiến trình phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo ông Quý, Xô Viết Nghệ Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu "pho sử bằng vàng" của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và quê hương xứ Nghệ. Sự ra đời và hoạt động của chính quyền Xô viết là minh chứng sinh động việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản của dân tộc Việt Nam; tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tiến bộ của một chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân. Khẳng định vai trò, vị trí tiên phong, năng lực lãnh đạo và tổ chức quần chúng của Đảng ta; đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông niềm tin ở sức mạnh của mình, niềm tin vững chắc vào đường lối cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đào tạo cho cách mạng một đội ngũ cán bộ rất lớn, rất vững vàng qua thử thách ác liệt, sẵn sàng vững bước trong chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc ở phía trước.
"Chính từ cao trào cách mạng này, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, nhất là đấu tranh cách mạng của Đảng đã bước đầu hình thành và ngày càng được bổ sung, phát triển trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nói.
Bến Thủy khoác áo mới
Bến Thuỷ những năm 1930 đã trở thành một khu công nghiệp lớn của Trung Kỳ. Ngày ấy, thực dân Pháp đã xây dựng trên 20 nhà máy (riêng khu vực Bến Thuỷ có 7 nhà máy) tập trung trên 7.000 công nhân. Một số nhà máy lớn như sửa chữa toa xe Trường Thi với 3.700 công nhân; Nhà máy Diêm với 400 công nhân; nơi ít nhất như nhà máy Đèn cũng có trên 100 công nhân.
Sau 90 năm, phường Bến Thủy hiện tại là cửa ngõ Đông - Nam của TP.Vinh (Nghệ An), Phường có trường Đại học Vinh và nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Kinh tế tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 7,6%/năm. Nhịp độ tăng thu thường xuyên là 1,7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,77%. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân đạt hơn 96%. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hàng chục hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật với giá trị nhiều tỷ đồng. Chất lượng giáo dục đào tạo của phường không ngừng được nâng lên, 3/3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Phường có 8/15 khối được công nhận đơn vị văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%. Trạm Y tế của Phường cũng đạt chuẩn Quốc gia.
"Bước đường đi tới của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tuy có nhiều thời cơ thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng, nhưng quá trình phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu, nhất là thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước"
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý
"Đảng ủy, UBND phường Bến Thủy chung sức, đồng lòng, vượt qua thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, xứng đáng với truyền thống anh hùng", ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Bến Thủy (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ với NTNN/Dân Việt.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho hay: "Trong công cuộc đổi mới, nhất là thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 khá cao, đạt 8,47%, riêng năm 2019 đạt 9,03%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An hàng năm đạt và vượt so với dự toán được giao, năm 2019 đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của cả nước về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội, đời sống của nhân dân được quan tâm, nâng cao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú ý toàn diện trên các mặt; tinh thần đoàn kết, dân chủ được lan tỏa rộng rãi; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế", Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ.
Vinh - Bến Thủy là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, có giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng, Đảng bộ Nghệ An và Đảng bộ Hà Tĩnh sớm được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng - là điều kiện tiền đề cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Nghệ Tĩnh phát triển thành đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận Vinh - Bến Thủy đã rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị. Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù, mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Đầu tháng 8/1930, đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh Bến Thủy. Cùng thời điểm đó, ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An, huyện Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nhân dân kéo đến huyện lỵ phá nhà giam, giải thoát tù chính trị, đốt giấy tờ, sổ sách, trừng trị bọn phản động gian ác, đánh dấu một thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh quyết liệt "đòi dân chủ và độc lập dân tộc", từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình có vũ trang tự vệ.
Ngày 12/9/1930, 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống đế quốc thực dân, phong kiến. Thực dân Pháp đã man rợ, dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương. Không chùn bước trước bom đạn của kẻ thù, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh ngày càng dâng cao, lan rộng ra ở nhiều địa phương, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.