Ông Trần Văn Môn - Trưởng phòng Phát triển kinh tế nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma tuý vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương, thậm chí ngay tại cả một số thành phố...
Những địa phương nào vào danh sách theo dõi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa nhiều nhất thưa ông?
- Theo báo cáo tổng hợp của 41/63 tỉnh, thành phố từ năm 2006 đến tháng 10 - 2010 đã phát hiện và xoá bỏ 364,2ha, trong đó 363ha cây thuốc phiện và 1,2ha cây cần sa. Diện tích tái trồng cây thuốc phiện trong 5 năm 2006-2010 chỉ bằng 3% so với năm 1993 (trên 12.000ha). Cây thuốc phiện trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc, các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An... Còn cây cần sa thì trồng rải rác khắp cả nước.
Vì sao việc trồng cây thuốc phiện, cần sa lại tái bùng phát?
- Đồng bào vùng cao nhiều nơi đã có tập quán trồng và sử dụng thuốc phiện từ lâu đời, số người nghiện thuốc phiện ở vùng cao vẫn còn nhiều. Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trong khi lợi nhuận mang lại từ việc trồng cây thuốc phiện cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, nên một số người vẫn lén lút trồng. Công tác chỉ đạo, quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát và xử lý tình trạng này của chính quyền ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.
Theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, cần sa trong thời gian tới?
- Cần phải tổ chức thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng thay thế tại các tỉnh trọng điểm. Đánh giá, chọn lựa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu thời tiết để nhân rộng, giúp người dân tăng thu nhập, từng bước thay thế thu nhập từ cây thuốc phiện, cần sa. Bộ NN&PTNT cũng đã có Đề án "Xoá bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma tuý" nhằm từng bước giúp người dân xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, cần sa.
Đình Thắng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.