Xóa bỏ loài cây độc hại, huyện Điện Biên Đông đổi thay sau “cơn mê” dài

Mỹ Hằng - Diệu Linh Chủ nhật, ngày 15/12/2024 05:57 AM (GMT+7)
Điện Biên Đông là nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Sau bao năm vật lộn chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi xóa bỏ cây thuốc phiện, giờ đây, người nông dân miền sơn cước đã biết sản xuất hàng hóa.
Bình luận 0

Nhiều đặc sản như lạc Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình... trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Xứ sở của hoa thuốc phiện ngày nào đã và đang thay da đổi thịt từng ngày.

Ký ức đau buồn lùi vào dĩ vãng

Xã Phì Nhừ nằm tít trên núi cao. Mới chớm đông mà mây mù đã phủ kín trời, kín đất. Ngày trước con đường đến xã dốc ngược làm chồn chân ngựa. Giờ đây đường lên xã đã được trải nhựa phẳng lỳ. Theo đó mà cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu cũng dần bị đẩy lùi. Gặp ông Thào A Dua - Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ mới cảm nhận hết được sự thay đổi nhanh chóng của xã miền núi này.

Ông Dua sinh ra và lớn lên ở Phì Nhừ, nên ông thấu hiểu và cảm nhận được những đổi thay mà bà con dân tộc nơi đây phải trải qua nhiều gian khó mới có được. Ngày trước Phì Nhừ cũng là vựa thuốc phiện của huyện Điện Biên Đông. 

Hầu như bà con người Mông nào cũng trồng cây thuốc phiện. Mùa xuân đến, hoa thuốc phiện phủ lấy cái nương, cái rẫy của bà con. Của nhà trồng được, nên trong bản có nhiều người nghiện. Tình trạng nghiện ngập khiến bản làng trở nên tiêu điều.

Năm 1993, Nhà nước có chủ trương vận động bà con nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện, người dân coi đây là cơ hội để cứu lấy dân, lấy bản. Từ bản trên, bản dưới cùng đồng lòng xóa bỏ cây thuốc phiện. 

Biết bao cuộc họp xã, họp bản, họp dòng họ được triển khai để tuyên truyền tới toàn dân về tác hại của việc trồng cây thuốc phiện. Ngày đó, nói bỏ cây thuốc phiện đâu có diễn ra trong ngày một ngày hai được, nó kéo dài suốt cả một thập niên. 

Quãng thời gian đó cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của toàn dân, nên chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện mới thành công.

Điện Biên Đông đổi thay sau “cơn mê” dài - Ảnh 1.

Người dân xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông đến nay đã trồng được 5ha khoai sọ. Ảnh: D.L

Cây ngô, cây lúa, cây mận được đưa lên nương thay thế cây thuốc phiện. Người nghiện được vận động cai nghiện tại nhà hoặc xuống trung tâm huyện. 

Cây thuốc phiện dần vắng bóng ở đất Phì Nhừ cũng là lúc bà con biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tập trung phát triển kinh tế. Cùng với sự thay đổi cơ sở hạ tầng, người dân cũng biết đưa giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao về trồng.

Gặp anh Hạ Nhìa Túa - Giám đốc HTX khoai sọ Phì Nhừ mới thấy được đất Phì Nhừ đã sang trang mới. Anh Túa là người Mông. Bao năm qua, anh cùng gia đình tra ngô, trồng lúa trên nương mà cuộc sống vẫn gặp muôn vàn khó khăn. 

Cách đây 3 năm, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trên sang trồng khoai sọ. Cây khoai sọ phát triển tốt và cho chất lượng thơm ngon hơn hẳn các vùng khác. Nhờ vậy mà mỗi năm gia đình anh thu được cả trăm triệu đồng từ trồng khoai sọ.

Từ diện tích nhỏ bé ban đầu, đến giờ toàn xã Phì Nhừ đã trồng được 5ha khoai sọ. Anh Túa còn mạnh dạn thành lập HTX để cùng các hộ dân xây dựng thương hiệu khoai sọ Phì Nhừ. Theo chia sẻ của anh Túa, khoai sọ bán được giá và cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng ngô, trồng lúa. Hiện sản phẩm khoai sọ của Phì Nhừ đã được công nhận là OCOP 3 sao.

Cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Phì Nhừ chỉ là một điểm sáng trong hành trình làm kinh tế của bà con nhân dân ở huyện vùng cao này của tỉnh Điện Biên. Ký ức đau buồn về bản nghiện, xã trồng thuốc phiện ngày nào đã dần lui vào dĩ vãng. 

Đi qua các xã Xa Dung, Tìa Dình, Mường Luân, thị trấn Na Son... đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây ăn quả, của cây đặc sản. 

Nhiều sản phẩm đặc sản của huyện Điện Biên Đông được người tiêu dùng biết đến và đón nhận như lạc Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình... được tỉnh Điện Biên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Mỗi một giống cây trồng được đưa đến bà con các xã vùng cao đều được các cấp chính quyền địa phương tuyển chọn cẩn thận. Nó đều có thời gian thử nghiệm xem có hiệu quả hay không mới nhân rộng. 

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, bản thân người dân nơi đây cũng chủ động tìm hướng làm ăn và vươn lên thoát nghèo. Ở mỗi xã, mỗi bản đều có những cá nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều HTX nông nghiệp đã được thành lập mà người đứng đầu HTX lại chính là con em người dân tộc thiểu số. 

Đây là nét mới ở vùng sơn cước này. Mỗi mô hình tuy còn khiêm tốn về quy mô, nhưng nó đã nhen nhóm và mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho bà con nơi đây.

Thế mạnh về nông nghiệp

Điện Biên Đông đổi thay sau “cơn mê” dài - Ảnh 2.

Huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình và thịt lợn sấy. Trong ảnh là sản phẩm bí xanh Tìa Dình. Ảnh: D.L

Trong những năm vừa qua, ngoài việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước về không tái trồng các cây có chứa chất ma túy, huyện Điện Biên Đông tập trung vào phát triển nông nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Trọng Huế - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ðiện Biên Ðông, huyện có nhiều loại sản phẩm đặc trưng của từng địa bàn, có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ; lạc đỏ, nếp tan Na Son, thịt lợn sấy, gạo nếp nương hạt to, tinh dầu hương nhu...

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm được chấm điểm 3 sao, gồm: Lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình và thịt lợn sấy. 

Các sản phẩm của huyện tham gia triển lãm đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của thị trường. Ngoài 4 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, huyện Ðiện Biên Ðông đang tập trung vào 2 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm như gạo nếp hạt to, gạo nếp Lào; nhóm dược liệu như tinh dầu hương nhu, nước cất hương nhu.

Huyện Điện Biên Đông cũng xác định nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực là 32 sản phẩm hiện có (đánh giá theo tiêu chí sản phẩm có ít nhất 50% nguyên liệu địa phương, có tính độc đáo, không ảnh hưởng đến môi trường...) gồm 22 sản phẩm thực phẩm, 5 loại thảo dược, 1 sản phẩm may mặc (thổ cẩm Lào xã Mường Luân), 1 sản phẩm trong nhóm hàng lưu niệm nội thất (từ bông chít); 3 sản phẩm du lịch dịch vụ nông thôn (suối nóng Pá Vạt, xã Mường Luân; sinh thái - ẩm thực hồ Noong U; du lịch trải nghiệm chợ phiên vùng cao).

Những đổi thay ở bản cao một lần nữa khẳng định sự đồng lòng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm xóa bỏ hoàn toàn các cây có chứa chất ma túy ra khỏi địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem