Chuyện lạ Điện Biên, làm chuồng dụ một con động vật từ rừng về vườn ở, ai ngờ lại trúng mánh
Chuyện lạ Điện Biên, làm chuồng xinh dụ một con động vật từ rừng về vườn ở, ai ngờ lại "trúng đậm"
Thanh Tùng
Thứ tư, ngày 15/05/2024 05:44 AM (GMT+7)
Bà con người dân tộc Thái ở bản Khá, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có cách nuôi ong rất độc đáo là làm tổ xinh xinh đặt trong vườn rồi cho ong rừng về ở để khai thác mật.
Bà con người Thái ở bản Khá, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên "dụ" ong rừng về vườn ở.
"Dụ" ong rừng về vườn ở
Anh Cà Văn Thiện, trưởng bản Khá có trang trại rộng khoảng 2 ha ở sâu trong núi. Suốt mấy chục năm qua, anh đã dày công nuôi gà, vịt và nuôi cá, trồng cây ăn quả. Trang trại của anh Thiện nằm lọt thỏm trong rừng. Từ nhiều năm nay, anh Thiện học cách làm của các cụ người Thái là làm tổ cho đám ong mật về ở.
Nhiều năm qua, anh Cà Văn Thiện ở bản Khá, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã thành công trong việc "dụ" ong mật về vườn làm tổ. Ảnh: Thuần Việt.
Anh Thiện đặt 4 thùng gỗ trên cây. Nơi anh lựa chọn đặt thùng gỗ thoáng gió và râm mát. Đầu tháng 3, khi hoa rừng nở bạt ngàn, tỏa hương thơm ngào ngạt cũng là lúc đám ong mật rừng đi kiếm nơi xây tổ.
Nắm được hoạt động của đám ong thường chia đàn vào mùa hoa nở, anh Thiện đã đặt các thùng ong trên cây ngay từ đầu năm.
Theo anh Thiện, khi ngoài môi trường có nguồn thức ăn (mật, phấn) nhiều, khí hậu thời tiết tốt hoặc trong đàn có mật độ ong cao, ong chúa đẻ mạnh, cầu con nhiều, thức ăn dự trữ thừa và ong sống trong thùng quá chật chội sẽ khiến cho đàn ong chia đàn tự nhiên.
Nơi mà anh Thiện đặt tổ lại gần bìa rừng. Anh đã "lót ổ" cho đám ong mật có một chỗ ở tươm tất. Ban đầu, có đám ong "trinh thám" đi tìm nơi ở.
Đàn ong mật sinh sôi và phát triển tốt khi gây tổ tại vườn nhà anh Thiện. Ảnh: Thuần Việt.
Do chỗ anh Thiện đặt tổ thỏa mãn được các điều kiện của đám ong "trinh sát" này nên chúng đã dẫn "cả gia đình" đến ở.
Nhà nào cũng có cả thùng ong mật rừng
Ban đầu chỉ có vài chục con ong đưa ong chúa về ở. Sau 2 tháng, thành viên của đàn ong đã nhân lên với cấp số nhân. Từ vài chục con ong ban đầu, đến giờ "dân số" của đàn ong đã lên đến vài nghìn con.
Chúng tự xây tổ và tự vào rừng kiếm ăn. Đến mùa lấy mật, anh Thiện khai thác. Cách làm nhàn hạ này của người Thái đã giúp họ mỗi năm khai thác được cả hàng trăm lít mật ong rừng.
Cũng giống như anh Thiện, các hộ dân sống bên chân núi của bản Khá, nhà nào cũng đặt vài thùng ong. Họ coi đây là cách sống cộng sinh với rừng.
Nhà ông Cà Văn Panh ở bản Khá cũng thành công đặt được 2 thùng ong. Ông đặt thùng ở cây bưởi bên bờ ao. Do nhà ông ở gần rừng, nên đám ong còn kéo cả vào tủ quần áo làm tổ.
Ông Panh chia sẻ, ong mật rất hiền, nó hầu như không chủ động tấn công người bao giờ. Khi họ hàng nhà chúng kéo vào tủ quần áo của nhà tôi làm tổ, tôi cũng rất lo lắng, sợ nó sẽ đốt đám trẻ trong nhà, nhưng sau cả năm, đám ong này chung sống hòa bình. Cuối năm, tôi khai thác mật; có những tổ ong to bằng cái mâm, khai thác được cả chục lít mật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.