Xoa dịu những “nỗi đau da cam”

Chủ nhật, ngày 31/07/2011 15:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục năm sau ngày chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, những nạn nhân bị chất độc da cam/dioxin hủy hoại vẫn đang nỗ lực vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống...
Bình luận 0

Hiện vật nhỏ, nghĩa cử lớn

Với hơn 300 hiện vật, hình ảnh và tư liệu quý, triển lãm với chủ đề "Nỗi đau da cam" (do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Binh chủng hóa học, Thư viện Quân đội, Ban Tuyên truyền - Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức) đã góp phần cùng nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế chia sẻ, động viên và xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam, những người vô tội đang mang trong mình một nỗi đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần "nỗi đau da cam". Triển lãm kéo dài trong suốt 1 tháng (từ 26.7 đến 26.8).

img
Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến xem triển lãm.

Trong số các hình ảnh, hiện vật, tư liệu tiêu biểu chứng minh cho sự tàn khốc của chiến tranh phải kể đến hình ảnh những chiếc máy bay, lính Mỹ trên xe bọc thép với những trang phục phòng bị kỹ càng đang phun rải chất độc; những làng mạc, rừng núi, sông ngòi, đã trở thành những cánh rừng chết, dòng sông chết; những bản làng xác xơ, tiêu điều không còn sự sống; những quả lựu đạn, đầu đạn, hỏa tiễn, thùng phuy chứa chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam... Và xúc động hơn cả là những bức ảnh các nạn nhân da cam với thân hình dị dạng, những ánh mắt vô hồn bất động đưa ánh mắt cầu cứu...

Ông Ngô Văn Chung - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự VN cho biết: "Triển lãm lần này được tập hợp từ rất nhiều tài liệu, hiện vật, tư liệu về thảm họa chiến tranh của các tác giả trong và ngoài nước. Mỗi bức ảnh, tư liệu dù hoàn cảnh ra đời khác nhau, khắc họa những khoảnh khắc khác nhau, nhưng đều hướng về một chủ đề là tố cáo tội ác chiến tranh và xoa dịu nỗi đau da cam". Có những bức ảnh, tư liệu gây xúc động lòng người mà qua đó, người xem thêm hiểu hơn về lịch sử, chia sẻ đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh bởi chất độc hóa học.

Vượt lên trên nỗi đau

Không chỉ khắc họa những nỗi đau, triển lãm lần này đã trưng bày một số sản phẩm do chính tay các nạn nhân da cam/dioxin làm nên. Những con người ấy đang hàng ngày, hàng giờ vượt lên nỗi đau đớn hoành hành thể xác, vượt lên bất hạnh của cuộc đời để làm ra những sản phẩm làm đẹp cho chính cuộc đời, như bức tranh "Nỗi đau da cam - đâu của riêng ai" của một nạn nhân, với cơ thể cao chưa tới 1m nhưng em đã dành 6 tháng để thêu lên bức tranh đẹp như một minh chứng của sự vươn lên, chiến thắng số phận.

Gặp gỡ chúng tôi tại triển lãm, Nguyễn Thị Vân Long - cô gái 23 tuổi nhưng thân hình nhỏ bé như một đứa trẻ vì những di chứng của chất độc, xúc động cho biết: "Bố em tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam và đã mất. Nhà có 3 anh chị em, một người anh đã hy sinh, chị gái may mắn không bị di chứng, còn em đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc. Hai năm nay em sống tại làng Hữu Nghị Việt Nam, còn mẹ em hiện đang ở quê làm ruộng. Gia đình em được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xây dựng cho 1 căn nhà tình nghĩa. Em đang theo học lớp học may và thêu tại làng Hữu Nghị và với nghề đó em đã tự nuôi sống được bản thân".

Triển lãm này còn có gian trưng bày 300 đầu sách, các công trình nghiên cứu khoa học, các tập sách báo, tạp chí, tham luận và tiểu thuyết của các tác giả trong và ngoài nước nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về thảm họa chiến tranh, những nỗ lực của Việt Nam và bạn bè quốc tế làm dịu đi phần nào nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Đi cùng với Vân Long là Bùi Thị Hóa, năm nay 21 tuổi nhưng em không biết nói. Nhờ Vân Long chuyển ngữ, Hóa "nói" với chúng tôi: "Khi ở nhà em rất thấy tự ti, mặc cảm so với mọi người xung quanh vì bệnh tật của mình, nhưng từ khi đến làng Hữu Nghị Việt Nam sinh sống, cảm giác của em là mình còn may mắn hơn rất nhiều người".

Không kìm nén được nỗi xúc động nghẹn ngào, bà Hyun Soomy - phu nhân của Tổng thư ký Hội Liên hiệp vì hòa bình Việt Nam tại Nhật Bản tâm sự: "Triển lãm này được tổ chức thật tuyệt vời, xúc động. Nó góp phần tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục thế hệ trẻ về hòa bình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem