Địa phương cũng được xóa nợ
Đây là vấn đề đã được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhắc tới khi góp ý về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Trước đó, trong dự thảo được công bố trước đó, thẩm quyền xóa nợ thuế được phân chia theo từng mức khác nhau nhưng không không có nội dung liên quan tới Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cụ thể, bản dự thảo trước đó chỉ đề xuất Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xoá nợ dưới 1 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan được xoá nợ dưới 5 tỷ. Trong khi ấy, Bộ trưởng Bộ Tài chính xoá nợ từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ. Còn lại, Thủ tướng Chính phủ xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên.
Với góp ý trên, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết tiếp thu và chỉnh sửa theo hướng: Đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Có ý kiến lo lắng cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.
Đối với các trường hợp khác còn lại, Bộ Tài chính đã sửa theo hướng mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.
Với khoản nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, Bộ Tài chính đề xuất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, so với dự thảo trước đó, số tiền trong thẩm quyền xóa nợ thuế của Tổng cục trưởng, Bộ trưởng đều đã được nâng lên.
Có nên khoanh nợ với người chết, mất tích?
Cũng về nợ, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị không khoanh nợ với đối tượng có dấu hiệu trốn thuế hoặc vi phạm pháp luật trong kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thì khẳng định, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo luật là các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích.
Theo quan điểm ngành tài chính, việc phát hiện dấu hiệu trốn thuế chỉ đối với các doanh nghiệp đang còn hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nội dung "vi phạm pháp luật trong kinh doanh" theo Bộ Tài chính là rất rộng, không chỉ trong lĩnh vực quản lý thuế (như hàng giả, hàng nhái, lừa đảo, bán hàng đa cấp,...).
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên nội dung khoanh nợ cho các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích.
Trước đó, giải thích trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng, Luật quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, kể cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu, đã chết mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, bỏ địa chỉ kinh doanh...
Quy định này dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 tăng lên đến 10.465 tỷ đồng. Số nợ này theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Quan điểm của Bộ Tài chính là cần khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng nêu trên để làm giảm số nợ ảo.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.