"Xóm cà phê đường tàu” tấp nập và bài toán an toàn cho du khách

Vân Anh- Mai Dung Thứ hai, ngày 12/09/2022 06:13 AM (GMT+7)
Không thể phủ nhận "xóm cà phê đường tàu" (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là điểm đến rất thu hút với du khách nước ngoài khi đến thăm Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt cũng như đảm bảo an toàn cho du khách là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Bình luận 0

Du khách ngồi uống cà phê ở "phố đường tàu". Thực hiện: Vân Anh - Mai Dung

Xóm cà phê đường tàu "có một không hai" ở Hà Nội

Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường sắt chạy quanh co khắp thành phố lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này. "Xóm đường tàu" là một đoạn đường sắt kéo dài từ ga Long Biên đến hết phố Lê Duẩn.

Hiểm họa rình rập tại “xóm cà phê đường tàu” ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Sau thời gian dài đóng cửa thì vài tháng trở lại đây, nhiều quán cà phê đường tàu đã mở cửa trở lại. Ảnh: Vân Anh

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự đặc biệt khi nằm sát đường ray tàu chạy, những quán cà phê ở nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi sự độc đáo trong phong cách trang trí. Mỗi quán cà phê đều có một cách trang trí khác nhau. Quán muốn tạo cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên sẽ trang trí xung quanh là cây xanh, tạo nên không gian xanh mát để ngồi với bạn bè.

Một số quán sử dụng những vật liệu cũ để tái chế lại, có những quán lại mang một vẻ đẹp như một "Việt Nam thu nhỏ" bởi ở nơi đây đi đâu cũng thấy người ta trưng bày nào là chiếc nón lá, mũ cối, những tấm hình rất đẹp về con người và đất nước Việt Nam…

Nhưng nhìn chung, hầu hết các quán cà phê ở đây đều thiết kế theo tông màu chủ đạo là vàng và đỏ, mang phong cách cổ điển, không gian tạo cho du khách một chút gì đó hoài niệm, gần gũi thân quen.

Hiểm họa rình rập tại “xóm cà phê đường tàu” ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Những quán cà phê được trang trí bắt mắt, mang đậm phong cách Việt Nam như: đèn lồng, bảng hiệu, nón quạt,..tạo cho du khách cảm giác gần gũi, thân thiện. Ảnh: Vân Anh.

Hai năm qua, loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa mọc lên thành "xóm cà phê đường tàu", trở thành điểm hẹn của các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.

Chị Nguyễn Trúc Giang (23 tuổi, quê Ninh Bình) chia sẻ: "Tôi đã đọc khá nhiều báo viết về con phố đường tàu nhưng hôm nay mới có dịp ghé thăm để trải nghiệm, ngoài việc sống ảo với con phố này ra thì những quán cà phê ở đây mang lại cho tôi cảm giác khá thoải mái và yên bình".

Hiểm họa rình rập tại “xóm cà phê đường tàu” ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Đến khu phố cà phê đường tàu không khó để bắt gặp cảnh du khách chụp ảnh ngay giữa đường ray

An toàn là trên hết

Bên cạnh sự thích thú, hào hứng với nét độc đáo của quán cà phê đường tàu, vấn đề an toàn hành lang an toàn giao thông đường sắt, an toàn của du khách đến với phố cà phê đường tàu cần được đặt lên trên hết.

Tại Phụ lục II của Nghị định 56 đã mô tả chi tiết cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Chiều rộng hành lang ATGT đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên. Đối với đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét; Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3 mét. Chiếu theo quy định, hầu hết các quán cà phê đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Hiểm họa rình rập tại “xóm cà phê đường tàu” ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Một số người dân, du khách ngồi chơi cờ ngay cạnh đường tàu bất chấp việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Mai Dung.

Ông Nguyễn Khoa Học (70 tuổi), người dân sinh sống ở phố đường tàu chia sẻ: "Sinh hoạt hàng ngày ở đây thực sự rất nguy hiểm. Chúng tôi luôn phải canh xem giờ nào tàu chạy qua để gọi nhau thu xếp bàn ghế sát lại tránh gặp những rủi ro bất trắc".

Theo quan sát của phóng viên, một số quán cà phê tại đây có treo bảng giờ tàu chạy để du khách lưu ý. Trước khi có tàu chạy qua khoảng 10 phút, các chủ quán, nhân viên quán cà phê đều cảnh báo yêu cầu du khách đứng hẳn vào bên trong quán, không thò tay, chân hay với ra ngoài để chụp ảnh. 

Có lần PV chứng kiến một chủ quán cà phê tỏ ra căng thẳng với khách hàng khi để trẻ em vẫn đi cạnh đường ray khi sắp có tàu chạy qua. 

Tuy nhiên, việc cảnh báo nguy hiểm dường như là việc làm tự phát của các chủ quán cà phê thay vì có sự phối hợp với phía cơ quan chức năng. 

Anh Nguyễn Văn Ngọc (34 tuổi, Hà Nội), một người thường ghé cà phê đường tàu chia sẻ: "Nếu có thể, cơ quan chức năng nên tìm cách quản lý thay vì cấm khi du khách có nhu cầu trải nghiệm ở nơi này. Đó cũng là một cách để khai thác được hết tiềm năng của việc kinh doanh, đồng thời đảm bảo được việc quản lý chặt chẽ, an toàn cho du khách".

Hiểm họa rình rập tại “xóm cà phê đường tàu” ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 6.

Một số du khách nước ngoài chụp hình bên đường ray tàu. Ảnh: Vân Anh.

Đồng quan điểm, anh Quang Trung, ở quận Đống Đa (Hà Nội) cũng cho rằng, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu cho mở các quán cà phê nhưng phải đảm bảo, tuân thủ quy định, khoảng cách an toàn với đường sắt.

"Đối với những quán trưng bày bàn ghế hoặc xây dựng sát với đường tàu tiềm ẩn nguy hiểm phải cấm triệt để. Còn đối với du khách, chủ quán cũng phải nhắc nhở khách không được ra đường tàu chụp hình, hoặc đi dạo trên đường tàu. Các chủ quán phải cảm kết được những việc như này thì mới có thể giảm thiểu, ngăn chặn được những rủi ro", anh Trung bộc bạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem