Xóm “ruột thừa” giữa lòng phố biển

Thứ tư, ngày 29/02/2012 18:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sẽ ít ai ngờ có một xóm người khổ cực và đầy rẫy tệ nạn như vậy ở trong một danh thắng của thành phố du lịch sầm uất miền Trung - TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
Bình luận 0

Cận cảnh một phận đời

Nhà bà Phạm Thị Thu (ở Trại Thủy, phường Phương Sơn, TP.Nha Trang) bé như hộp diêm với ngổn ngang những nệm, nồi, thau... và lũ cháu ngoại lít nhít chạy nhảy tán loạn. Đôi mắt lèm nhèm của người đàn bà già trước tuổi 57 thi thoảng lại ngân ngấn nước mắt: “Tôi đã từng có một cái nhà ở Huế, nhưng cơn bão năm 1982 đã cướp đi tất cả…”.

img
Bà Phạm Thị Thu: “Ước nguyện cả đời của tui là có căn nhà có lẽ đành bỏ lỡ…”.

Sau trận bão ấy, đói khát và tuyệt vọng, dắt díu nhau, bà Thu và 3 cô con gái lên tàu vào Nam. Hành trình xin ăn để tồn tại trước khi dừng chân tại sân ga Nha Trang mất 4 tháng ròng. Sau vài ngày sống lay lắt ở ga, bà Thu tìm lên đồi Trại Thủy, che tạm một túp lều ngay dưới chân tượng kim thân Phật tổ khổng lồ.

Làm thuê, nhặt ve chai, bán vé số, xin ăn… nhiều năm sau, mấy mẹ con bà cũng dành dụm được ít tiền dựng lại túp lều. Một người hàng xóm tỏ ra tốt bụng, cho bà vay trả lãi để hoàn thành nốt căn nhà. 2 năm sau, lãi mẹ đẻ lãi con, mẹ con bà phải gán căn nhà cho chủ nợ để tránh bị bọn côn đồ ngày ngày hăm dọa.

Ba đứa con gái lần lượt lấy chồng, lần lượt bỏ chồng, rồi… lần lượt dắt cả đàn cháu ngoại 4 đứa về ở chung với bà trong căn nhà trọ rộng vài mét vuông. Mỗi tháng mấy mẹ con chung nhau trả 200 nghìn tiền thuê nhà, 150 nghìn tiền nước và 300 nghìn tiền điện... Mấy tháng trước, trong một lần đi vệ sinh ở bãi sau đồi, trượt chân, bà Thu ngã gãy xương ngực. Không để con phải nuôi mình, bà lết đi nhặt ve chai kiếm sống… “Mỗi lần đi qua căn nhà bị xiết nợ, tui lại ứa nước mắt. Ước nguyện cả đời có căn nhà của tui có lẽ đành bỏ lỡ…” – bà Thu ngậm ngùi.

Xóm tệ nạn, đồi ăn xin

Đồi Trại Thủy nằm ngay trung tâm TP.Nha Trang, vốn được biết đến với danh thắng chùa Long Sơn và tượng Phật tổ cao lớn trên đỉnh đồi, hàng năm đón hàng chục nghìn lượt du khách. Nhưng phía sau đồi Trại Thủy, từ lâu đã là chốn nương thân tạm bợ của hơn 450 hộ với gần 3.000 dân tứ xứ. Những phận người lang bạt, chen chúc trong hàng trăm căn lều rách nát mà vẫn thường “tự trào” rằng họ đang sống trên nóc thành phố, nơi họ ở còn cao hơn cả nóc của tất cả những khách sạn đang được xây san sát dưới kia.

Mấy ngày liền trời đổ mưa, du khách vắng bóng, cư dân đồi Trại Thủy ngồi không. Các bà, các mẹ bồng con, cháu ra đỉnh đồi tán dóc. Một cặp vợ chồng nước ngoài trờ tới, ông khách thích thú ngắm nghía một cậu bé. “Tiền, tiền, milk for baby! (sữa cho bọn trẻ)”- các bà nhao nhao ra hiệu xin tiền. Một bà đột nhiên dúi thằng bé lấm lem vào tay ông khách, “không có sữa, cho ông Tây nuôi luôn!” - rồi ré lên cười.

img
Một góc khu dân cư đồi Trại Thủy.

Bà Nguyễn Thị Tâm (60 tuổi) lặng lẽ ngồi hóng chuyện. Bà chỉ có một đứa con gái năm nay 33 tuổi, nhưng bà phải nuôi tới 7 đứa cháu ngoại. Đứa con gái đẻ sòn sòn rồi để bầy con lại cho bà nuôi, hai vợ chồng trẻ đi “ăn bay” khắp nơi. Đứa cháu ngoại lớn nhất năm nay 17 tuổi nhưng đã lấy chồng được một năm và cũng đã kịp “tặng” cho bà Tâm một chắt ngoại. “Chỉ hai đứa lớn là kiếm được tiền, còn lũ lóc nhóc kia, tui phải còng lưng nuôi hết” – bà Tâm thở dài.

Len lỏi theo từng ngõ nhỏ, dốc đứng, mỗi bước chân qua các tổ dân phố ở đồi Trại Thủy, tôi đều phải thật cẩn thận để không bị trượt ngã, giẫm phải rác bẩn, chất thải vệ sinh hoặc bơm kim tiêm của con nghiện để lại. Ngó xuống một lối nhỏ, chúng tôi giật mình thấy mấy cậu choai choai mình xăm trổ xanh lè, cầm kim tiêm đang túm tụm. Định chụp vài tấm ảnh, nhưng “loạng quạng chúng xách kim tiêm dính máu đuổi chạy không kịp đó...” – người dẫn đường thì thào. Đâu đâu cũng thấy người lớn lập sòng bài thi nhau sát phạt, hoặc nhậu nhẹt, hát ca inh ỏi. Còn lũ con nít lóc nhóc thì không đến trường mà theo các bà già đeo bám du khách xin tiền.

“Tất cả những gì xấu xa nhất của xã hội đều tập trung vào 6 tổ dân cư khu vực đồi Trại Thủy. Nào là tệ nạn xã hội, nghèo, thất học, sinh nhiều con, ô nhiễm vệ sinh môi trường…” - ông Nguyễn Ngọc Anh Quân – Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phương Sơn nói.

Từ khi thành phố tổ chức thu gom những người già ăn xin, họ “lách luật” bằng cách không cho trẻ đến trường nữa mà ở nhà thay ông bà đi xin. Mấy đứa lớn hơn, độ 11 – 12 tuổi trở lên đua nhau bỏ học đi làm thuê, đi bán nhang cho du khách. Đa phần nam thanh thiếu niên đều mắc nghiện ma túy. Thiếu tiền chơi thì chúng xoay ra mua bán ma túy, trộm cắp, móc túi. Hiện trên địa bàn phường có 20 người nhiễm HIV/AIDS, 88 trẻ em bị nhiễm hoặc có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV/AIDS, mà chủ yếu là cư dân đồi Trại Thủy.

Mơ một nơi ở mới…

Từ những năm 1990, tỉnh Khánh Hòa đã có dự án di dời tất cả hộ dân sống trên đồi đến nơi ở mới, trả lại cảnh quan cho đồi Trại Thủy - nơi được cổ nhân gọi là danh thắng Ngọc bức hoàn hàm (Dơi ngậm ngọc vòng) với 3 ngôi chùa đẹp. Đồi Trại Thủy lúc đó sẽ được trồng cây xanh tạo cảnh quan, dành cho du lịch, nghỉ dưỡng và tạo nên một lá phổi xanh cho thành phố. Toàn bộ hơn 450 hộ dân đang sống trên đồi sẽ được đưa về khu tái định cư Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang) để đảm bảo cho mọi người có nhà, có nghề nghiệp mới đàng hoàng…

Phía sau đồi Trại Thủy, từ lâu đã là chốn nương thân tạm bợ của hơn 450 hộ với gần 3.000 dân tứ xứ. Những phận người lang bạt, chen chúc trong hàng trăm căn lều rách nát mà vẫn thường “tự trào” rằng họ đang sống trên nóc thành phố.

Vậy mà, ngày nay, khi nhắc đến chuyện di dời, chị Phạm Thị Khen cười khẩy: “Tui nghe phường phổ biến chuyện di dời dân khỏi đồi Trại Thủy từ thuở còn con gái, nay con trai đầu của tui đã 19 tuổi tròn mà vẫn chưa động tĩnh gì”.

Về nơi ở mới, được hướng dẫn, dạy nghề để kiếm kế sinh nhai mới có lẽ sẽ mở ra được một tương lai rất khác cho người dân. Trước mắt, chấm dứt cảnh phải sống tạm bợ vì không được xây dựng trong khu quy hoạch, chấm dứt việc phải mua điện với giá 3.500 đồng/kWh, nước sinh hoạt 50.000 đồng/m3 và thôi cảnh sống vô thừa nhận không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không được vay vốn hộ nghèo, vay vốn sản xuất…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem