Xôm tụ nhạc sống đồng quê

Thứ sáu, ngày 04/01/2013 10:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở nhiều vùng quê Phú Yên bây giờ, về chuyện văn nghệ giải trí thì karaoke là cũ rồi, bà con đã thay thế bằng nhạc sống. Chung nhau góp tiền thuê một dàn nhạc về để hát với nhau đang là mốt mới ở quê...
Bình luận 0

Nhạc chạy, nhạc “ké”

Anh Phan Chí Thoại (35 tuổi, ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) nói: “Ở quê tôi, tiệc tùng bây giờ mà thiếu nhạc sống thì uống... nhạt miệng lắm, coi như cuộc vui chưa trọn vẹn”. Đúng như lời anh Thoại, mới buổi sáng loanh quanh ở mấy xã làm ruộng Phú Hòa, đến đâu đâu tôi cũng nghe “chát, bùm..., hát nữa đi em...” rộn ràng, khí thế. Giá thuê dàn nhạc ở các vùng nông thôn Phú Yên ở mức 80.000 - 200.000 đồng/giờ, không quá cao, nên việc tổ chức hát nhạc sống đang được ưa chuộng.

img
Một “ca sĩ” đang hát với nhạc sống.

Hầu rượu một “danh ca” ở Hòa Thắng, được nghe anh bộc bạch: “Hát karaoke xưa rồi, ít... tự nhiên lắm, mình phải chạy theo chữ, theo nhạc; mà có người lại không biết chữ thì chịu. Còn hát nhạc sống thì nhạc đệm phải “chạy” theo mình, ai không thuộc lời thì đã có hàng đống bài hát in sẵn, nhưng nghe hát rồi thuộc hết. Lại còn có người dẫn chương trình, giới thiệu “sau đây là ca sĩ...”, phê lắm!”.

Ở Phú Yên bây giờ, có nhiều chị em đi giặm lúa cũng thủ sẵn vài chục nghìn đồng, hễ ngơi ngơi là rửa sơ chân tay lên bờ “ké góp với đơn vị đăng cai” làm đôi bản nhạc cho đỡ ghiền, xong ra cấy tiếp! Thậm chí, có nhóm đi đám tang xong cũng hùn tiền, kéo nhau tìm sân nhà rộng rộng làm địa điểm thuê nhạc sống để hát tưng bừng, lắm khi thâu đêm suốt sáng...

Cũng nhờ đó, cho thuê dàn âm thanh và chơi nhạc bỗng chốc trở thành một nghề hẳn hoi. Anh Phan Thành Long- người đang sở hữu dàn nhạc cho thuê ở Ninh Tịnh, phường 9 (TP.Tuy Hòa), cho hay: Ai có nhu cầu hò hát nhạc sống chỉ cần bấm số điện thoại là sẵn sàng có ngay một xe máy kéo sau cái rơ moóc chất đầy “âm nhạc”, đủ cả loa thùng, dây nhợ, đàn, trống... Tùy vào sự hiện đại, phong phú của nhạc cụ, tăng âm mà giá cả xê xích. Ví như, nhạc cụ chỉ mỗi cây organ phục vụ cho tiệc nhậu thì thường giá chỉ 80.000 đồng/giờ, còn đầy đủ bộ lệ như organ, guitar, trống, người dẫn chương trình... thì phải 200.000 đồng/giờ.

Anh Mạnh Tấn - một nhạc công cho hay: “Tôi tậu cây organ xịn giá gần 50 triệu đồng và phối hợp với người bạn có cây guitar điện đi chơi nhạc sống thuê. Tôi kiêm luôn dẫn chương trình và hát “mồi”. Tiền công cán thì chia “tứ - lục”, ví dụ thu được 1 triệu đồng thì tôi 600.000, bạn 400.000 đồng”.

Rằng hay thì thật...

Anh Nguyễn Đình Hoan- cán bộ văn hóa thông tin phường 9 (TP. Tuy Hòa) nói: “Ở các vùng quê của thành phố này có cả chục điểm dàn nhạc sống. Hầu như khi tổ chức đám tiệc gì là người ta nghĩ trước tới việc hát nhạc sống. May ra, chỉ có đám “bỏ guốc” (trẻ con đầy tháng) là người ta không hát, vì sợ làm ồn đứa nhỏ”. Thế nhưng, người viết bài đã chứng kiến đám nhạc sống ở nhà một người bà con khi làm lễ “bỏ guốc”. Ai cũng lắc đầu khi thấy sản phụ (đang trong thời gian tránh gió, nằm sưởi than) trùm khăn bước ra... ca một bản!

Mới đây, Sở VHTTDL Phú Yên có công văn đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các nhóm hát nhạc sống cần tuân thủ hoạt động theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng trật tự công cộng.

Muốn có hứng hát hò thì phải “tráng giọng” trước vài ly. Thế nên, nhạc sống luôn đi liền với những cuộc nhậu, nhiều khi xuyên đêm, inh ỏi thôn làng. Hệ lụy là hễ có đám hát nhạc sống là cả một khu dân cư coi như có đêm mất ngủ, người già nằm không yên, trẻ con học bài không vô. Đôi lúc, có cuộc nhậu - ca quá chén đã trở thành đám tranh nhau thể hiện tài “ca sĩ”, cãi lộn, đánh nhau loạn xạ.

Anh Nguyễn Đình Hoan cho biết thêm: “Trước sự thái quá giờ giấc, “ô nhiễm âm thanh” từ các nhóm hát nhạc sống, chính quyền một số xã đã có các hình thức chấn chỉnh. Ví như có nơi, chủ tịch xã yêu cầu những người cho thuê dàn nhạc chỉ phục vụ nhạc sống đến 21 giờ, vi phạm sẽ xử phạt.

Thế nhưng nhiều người cho biết, rất khó tuân thủ các quy định về nhạc sống. Bởi chính nhiều nhạc công đang là cán bộ xã, giáo viên tại địa phương; và “ca sĩ chính” tại nhiều cuộc lại là chủ tịch xã, phó chủ tịch phụ trách văn xã, trưởng ban văn hóa xã hội, bí thư xã đoàn, chủ tịch hội phụ nữ xã...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem