Bảo Yến - Thế Hiển
Thứ tư, ngày 02/08/2023 14:09 PM (GMT+7)
Vì mưu sinh bé gái đã phải hy sinh mái đầu, bố mẹ chịu cảnh đánh mất con cái, người chồng tha phương cầu thực chạy chữa cho vợ con mang trọng bệnh,... những hoàn cảnh khó khăn đang rất cần những vòng tay yêu thương cùng đồng hành vượt qua ngày tháng cơ cực.
Trong tháng 7, Báo Điện tử Dân Việt đã tổ chức kêu gọi hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn và các điểm trường đang xuống cấp, thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ tháng 7
Nhói lòng cảnh bé gái bị máy cắt lúa lột hết da đầu khi mưu sinh
Sự việc của bé Bùi Thị Tường Vy (SN năm 2010) ở ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, Kiên Giang khiến cho mọi người đều đau lòng. Mẹ em bỏ đi khi em vừa 14 tháng tuổi, cha làm thuê tại địa phương để mưu sinh, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.
Thương cha cơ cực nên mỗi khi đến hè, em làm thêm những công việc như bắt cá, bắt cua, mò ốc, hái rau,… để phụ giúp gia đình. Vì sự cố thương tâm, bé gái 13 tuổi trong lúc mưu sinh đã bị cuốn vào máy cắt lúa lột hết phần da đầu và đứt lìa phần da bị lột rơi ra ngoài.
Đau lòng gia cảnh 3 anh em ruột tử vong do đuối nước
“Tôi quá ân hận về sự ra đi của 3 con, giờ vợ chồng tôi mất sạch rồi. Tại sao ông trời lại bắt tôi phải gánh chịu nỗi đau này...”, những tiếng khóc xé lòng của anh Võ Hồng Tuấn như từng nhát dao cứa vào trái tim của những người đến viếng thăm.
Bi kịch ập đến với gia đình anh Võ Hồng Tuấn (ở thôn An Phú, xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) xảy ra vào ngày 5/7/2023 khi cả 3 người con của anh là: Võ Hồng Lĩnh (9 tuổi), Võ Thị Hồng Linh (8 tuổi) và Võ Hồng Lâm (6 tuổi) mãi mãi ra đi do đuối nước.
Hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Cường: Vợ chạy thận và con trai bị bệnh tim
Trong căn phòng trọ ọp ẹp chưa đầy 6m2 của anh Nguyễn Xuân Cường (thôn Tân Thành, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) nằm sâu trong xóm chạy thận ở con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) là nơi gối đầu của người vợ tiều tụy vì căn bệnh suy thận. Đây còn là nơi mỗi ngày anh Cường phải quay cuồng giữa việc kiếm tiền và chăm sóc vợ đang chạy thận cùng con nhỏ mắc bệnh tim.
Sau ngày tháng dài đằng đẵng trong bệnh viện, gia đình anh Cường đã kiệt quệ về kinh tế. Thời gian chạy chữa cho vợ mắc bệnh thận, con bị bệnh tim, tỉ lệ thuận với những khoản nợ ngày một lớn dần mà chưa thể trả. Trong khi đó, anh Cường cũng không có nghề ổn định, chỉ chạy xe thuê kiếm từng đồng qua ngày.
Biết vợ vẫn có đủ điều kiện sức khỏe để ghép thận, để sống một cuộc đời mới nhưng chi phí để ghép thận quá lớn. Dù thương vợ nhưng anh cũng phải đành lòng để vợ chạy thận để duy trì sự sống lay lắt. Hiện tại, chi phí để ghép thận của chị Liên - vợ anh Cường lên tới 350.000.000 đồng, chưa tính phụ phí.
Cô giáo vùng cao mong học sinh có áo ấm đến trường khi đông về
Ở xã đặc biệt khó khăn, thiếu sự quan tâm từ phụ huynh nên con đường đến với tri thức của những đứa trẻ vùng cao Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) càng trở nên chông chênh. Theo cô Đèo Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Chiến, mùa Đông nơi đây rất lạnh, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán có nơi còn xuất hiện băng tuyết. Thế nhưng, dẫu thời tiết lạnh giá, rét buốt như cắt da cắt thịt, các em chỉ có chiếc áo mỏng khoác lên người.
“Để giúp học sinh bớt lạnh khi đến trường các cô giáo đã phải vận động phụ huynh góp củi đốt lửa sưởi ấm, hay mỗi lần về nhà các cô lại xin những chiếc áo cũ mang lên lớp tặng học sinh” - cô Huyền xót xa khi nói về sự thiếu thốn của học sinh vùng cao.
Không chỉ là chiếc áo ấm mà những đôi dép, cây bút, cái thước của học sinh cũng là nỗi trăn trở cho cho cô giáo vùng cao.
Giờ đây, mong muốn của cô Huyền cũng như bao giáo viên nhà trường là mùa Đông năm nay, các em học sinh có chiếc áo khoác ấm, đôi dép và dụng cụ học tập để hành trình đi tìm cái chữ của những đứa trẻ vùng cao vơi bớt khó khăn.
Tiếp tục kêu gọi ủng hộ cô trò Trường Mầm non Kháng Nhật
Trường Mầm non Kháng Nhật được xây dựng từ năm 1980. Sau hơn 40 năm, cơ sở vật chất tại nhà trường đã xuống cấp, không còn đủ điều kiện, đảm bảo an toàn cho thầy và trò.
Hiện nay, cô trò Trường Mầm non Kháng Nhật (xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn phải sinh hoạt, học tập trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trang thiết bị đã rỉ sét, không còn nguyên vẹn không thể sử dụng.
Mỗi khi trời mưa, trong các lớp học phải dùng chậu để hứng nước mưa do mái nhà đã bị thủng, dột. Hơn nữa, những bức tường cũ kỹ bị bong tróc, rơi từng mảng lớn gây nguy hiểm. Đáng sợ hơn là một số phòng học còn có nguy cơ bị sập xuống bất cứ lúc nào.
Ước mơ gặp chị Hằng chú Cuội bước ra từ trang sách
Ở một địa điểm khác, trong suốt nhiều năm các em học sinh tại Điểm trường Khu Chu Phìn, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Sàng Ma Sáo (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn thường xuyên học tập, vui chơi trên khuôn viên sân trường với nền đất đã xuống cấp trầm trọng. Mùa nắng nóng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt.
Ở đây, các em học sinh chỉ biết đến chị Hằng, chú Cuội trong từng trang sách và bài giảng của thầy cô. Niềm khao khát một Đêm hội trăng rằm đúng nghĩa luôn các em học sinh tại xã nghèo mơ ước.
“Vì là xã vùng xa đặc biệt khó khăn, nên chúng tôi vẫn chưa có khả năng tổ chức cho các em học sinh những chương trình Trung thu thực sự đúng nghĩa. Mỗi năm, vào dịp này, chúng tôi cố gắng kêu gọi những phần quà bánh kẹo để các con có được niềm vui đến trường và động lực học tập tốt hơn” - Thầy Trần Anh Khoa - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sàng Ma Sáo cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.